Khoảng 5 triệu trẻ em sẽ được uống bổ sung vitamin A

Từ ngày 1-2/6, khoảng 5 triệu trẻ em từ 6-36 tháng tuổi và 863.000 bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ được bổ sung uống viên nang vitamin A.
Khoảng 5 triệu trẻ em sẽ được uống bổ sung vitamin A ảnh 1Nhân viên y tế phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng kiểm tra thông tin sức khỏe trước khi cho trẻ uống vitamin A. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Trong buổi họp báo diễn ra chiều 21/5 tại Hà Nội, phó giáo sư-tiến sỹ Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), cho biết việc bổ sung vitamin A nhân "Ngày vi chất dinh dưỡng" năm 2014 sẽ diễn ra từ ngày 1-2/6 trên toàn quốc.

Dự kiến đợt này có khoảng 5 triệu trẻ em từ 6-36 tháng tuổi và 863.000 bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ được bổ sung uống viên nang vitamin A. Riêng 22 tỉnh khó khăn sẽ có khoảng 880.000 trẻ từ 37-60 tháng tuổi được uống vitamin A.

"Ngày vi chất dinh dưỡng" năm 2014 có chủ đề "Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống" được tổ chức với các hoạt động như bổ sung vitamin A đợt một cho trẻ từ 6-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao; trẻ từ 6-36 tháng tuổi tại 41 tỉnh còn lại; trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh nhiễm trùng và bà mẹ sau khi sinh con trong vòng một tháng; truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng tại 63 tỉnh, thành phố...

Phó Viện trưởng Lê Bạch Mai cũng cho biết ở Việt Nam, tình trạng thiếu vitamin A, thiếu sắt và thiếu iốt đã giảm nhiều trong những năm qua nhưng vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe người dân, nhất là trẻ em.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng gần 30% trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Tại Việt Nam (năm 2013) có gần 26% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi; tức là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi. Hầu hết các trường hợp thấp còi xảy ra khi trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Bốn vi chất dinh dưỡng thường bị thiếu nhiều nhất là sắt, vitamin A, iốt và kẽm. Suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em ảnh hưởng tới gần một nửa dân số thế giới với các hậu quả như thai nhi kém phát triển, bà mẹ dễ bị sinh non, sinh thiếu cân, thiếu máu và các bệnh mãn tính khác (thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tim mạch...).

Chính vì vậy, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một giải pháp quan trọng trong việc phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam, nâng cao sức đề kháng, phòng chống các bệnh nhiễm trùng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em.

Giải pháp để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm các tiếp cận dựa vào thực phẩm, tăng cường vi chất vào thực phẩm và bổ sung vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt, công tác truyền thông giáo dục đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng trong phòng chống các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng, đa dạng bữa ăn, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất (giàu vitamin, sắt, kẽm...). Các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và chú ý sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục