Khơi dậy ý chí và niềm tin trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Cuộc thi viết “Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng” đã khơi dậy ý chí và niềm tin trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Khơi dậy ý chí và niềm tin trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ảnh 1Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh chúc mừng cuộc thi thành công. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cuộc thi viết “Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng” do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo các cựu chiến binh.

Mỗi bài viết là những hình ảnh đẹp, kỷ niệm sâu sắc của tác giả viết về các trận chiến đấu gian khổ, ác liệt đã trực tiếp tham gia. Tại lễ trao giải cuộc thi vào ngày 24/4, các cựu chiến binh - những “người trong cuộc” cho rằng cuộc thi có một ý nghĩa rất lớn là tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Những câu chuyện, hồi ức được đăng trên báo hay in thành sách sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Cuộc thi sẽ khơi dậy ý chí và niềm tin trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tiếp lửa truyền thống thế hệ trẻ

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng đây là một sáng kiến độc đáo của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, để hưởng ứng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có nhiều hình thức kỷ niệm, nhưng việc phát động cuộc thi là kỷ niệm riêng và phát huy được thế mạnh của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Đặc biệt, thắng lợi nhất của cuộc thi là rất đông cựu chiến binh - những nhân chứng lịch sử trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 tham gia viết bài.

“Cuộc thi đã tạo cho tôi cảm hứng viết lại những kỷ niệm, ký ức về một thời “khói lửa” và góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975. Chúng tôi lại trở thành người chép sử và đây là những trang sử sống động của các nhân chứng”, Trung tướng Phạm Hồng Cư bộc bạch.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng - tác giả của tác phẩm “Cầu Cỏ May - ngày ấy, bây giờ” (đoạt giải Nhất) chia sẻ cuộc thi là một sáng kiến hay và rất có ý nghĩa của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đây là cơ hội để những người từng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 như ông viết lại những hồi ức, kỷ niệm sâu sắc của mình. Bởi, những “người trong cuộc” hiện nay như ông sức khỏe đã giảm sút, “quỹ” thời gian cuộc sống không còn nhiều, cho nên có một cơ hội như thế này rất quý.

Là tác giả của tác phẩm “Bốn mươi năm nhớ về một trận đánh”, Thiếu tướng Hoàng Văn Toại, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 bộc bạch cuộc thi đã khơi lại trong ông những hồi ức và viết lại để thế hệ con cháu hiểu hơn về một thời hào hùng, oanh liệt, nhưng rất gian khổ, ác liệt của cuộc chiến tranh mà thế hệ cha ông đã trải qua.

Tri ân đồng đội đã hy sinh

Nói về tác phẩm “Cầu Cỏ May - ngày ấy, bây giờ”, Đại tá Nguyễn Văn Hồng cho biết đây là hồi ức khắc họa lại giai đoạn hào hùng nhưng đầy gian khổ, khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lúc đó, Tiểu đoàn 3 (thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5 của ông có nhiệm vụ tấn công giải phóng thành phố Vũng Tàu và chặn địch rút chạy ra biển. “Nếu như nhiệm vụ đó không hoàn thành sẽ không chỉ có tội với nhân dân mà còn để lại hậu quả mai sau. Những tên “bán nước” chạy thoát ra nước ngoài, khi có cơ hội sẽ quay lại và không lợi cho đất nước,” Đại tá Nguyễn Văn Hồng tâm sự.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Hồng, lúc đó cuộc chiến đấu đang bước vào giai đoạn cuối cùng và chỉ còn khoảng 3-4 tiếng nữa là kết thúc chiến tranh, nhưng vẫn nhiều đồng đội đã ngã xuống tại trận đánh Cầu Cỏ May. Ông rất áy náy và đến nay, mới có cơ hội viết lại những ký ức đó; đồng thời, là cơ hội để tri ân các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Một trong những chi tiết đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông, đó là khi đơn vị vượt sông Cỏ May sang giải phóng thành phố Vũng Tàu trong thế hiểm yếu, lại đúng lúc nước thủy triều rút xuống. “Trời sáng, lập tức các loại hỏa lực của địch trên bờ sông đồng loạt bắn xuống, đạn ken dày trên mặt sông… Máu của chiến sĩ ta nhuộm đỏ một khúc sông và các bãi sình lầy…,” Đại tá Nguyễn Văn Hồng hồi tưởng lại.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng cũng chia sẻ khi biết tin Sài Gòn giải phóng, ông bất ngờ đến bàng hoàng, trong người cảm thấy lâng lâng và không tin rằng mình vẫn sống đến bây giờ. Đồng thời, ông càng thương tiếc những đồng đội đã hy sinh, để ông được sống đến hôm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục