Khởi động chiến dịch xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Một chuỗi các hoạt động như hội thảo, triển lãm, diễu hành, chạy việt dã, nhảy flashmob... hưởng ứng chiến dịch “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” sẽ diễn ra từ ngày 18/11-16/12.
Khởi động chiến dịch xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ảnh 1Khởi động chiến dịch xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 18/11, Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và đã tổ chức khởi động chiến dịch “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Hoạt động này nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là của nam giới nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.

Một chuỗi các sự kiện với nhiều hình thức như hội thảo, tọa đàm, triển lãm, diễu hành, chạy việt dã, nhảy flashmob... hưởng ứng chiến dịch “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” sẽ diễn ra từ ngày 18/11-16/12 tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Long An, Đồng Nai, Bến Tre và Cần Thơ.

Hiện nay, bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội, dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần phải có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề này.

Tại buổi phát động, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, muốn chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái cần phải hiểu rõ hơn về nam giới và nam tính. Trẻ em trai và trẻ em gái cần được tham gia vào các hoạt động xã hội và phải cùng nhau đi đầu trong phong trào bình đẳng giới và phòng chống bạo lực.

Khởi động chiến dịch xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ảnh 2Học sinh Đà Nẵng hưởng ứng chiến dịch xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. (Nguồn ảnh: UN Women)

Theo kết quả nghiên cứu của Liên hợp quốc về thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam: Chi phí, thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Khoảng 50% nạn nhân của bạo lực gia đình cho biết họ chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng, 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Kết quả nghiên cứu của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đã có khung pháp luật chặt chẽ giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách giữa thực thi pháp luật và mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả thực hiện luật pháp, nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục