Khối ngành nông nghiệp kêu cứu vì thiếu sinh viên

Trong khi nhân lực ngành nông nhiệp thiếu và yếu thì nguồn nhân lực tương lai cũng mịt mờ khi sinh viên không “nhòm ngó” tới.
Đến 80% nông dân sản xuất theo lối truyền thống, có tới 55% cán bộ quản lý nông nghiệp thiếu trình độ chuyên môn. Thế nhưng, sự thiếu hụt này sẽ khó bù đắp được khi mà sinh viên không mấy mặn mà...
Lượng nhiều, chất ít
Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực năm 2011-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số lao động trong khối ngành nông, lâm, thủy sản là 22,5 triệu người, chiếm khoảng 47,5% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Trong số này, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 3,5 triệu người, tương đương với 15,5%. Số nông dân sản xuất giỏi chỉ chiếm khoảng 10%, số trung bình chiếm 20%, còn lại 70% chưa nắm được kỹ thuật sản xuất lúa đạt hiệu quả cao. Vì thế, ở các vùng nông thôn, người dân vẫn nuôi trồng theo lối manh mún, tự cung tự cấp, tận dụng dư thừa hơn là mang mục đích kinh tế. Năng suất tăng nhưng chủ yếu dựa vào thay đổi giống, phân bón. Tỷ lệ lao động nông nghiệp có trình độ kỹ thuật sơ cấp về sử dụng máy móc, phương tiện cơ giới trong nông nghiệp còn thấp hơn nữa, chỉ chiếm chưa đến 0,3%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là một thách thức cho việc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp. Để phát triển nghề đánh bắt xa bờ, lao động cần hiểu biết, nắm được kỹ thuật đánh bắt và vận hành các tàu đánh bắt công suất lớn trên 90CV đến 450CV, sử dụng thành thạo các trang thiết bị trên tàu như máy phát điện, trang thiết bị hàng hải, thiết bị định vị vệ tính, máy khai thác tời thủy lực. Nhưng hầu hết lao động đánh bắt thủy sản xa bờ không đáp ứng được yêu cầu này. Trình độ của cán bộ quản lý nông nghiệp cũng rất đáng báo động khi kết quả điều tra của Đại học Nông nghiệp I năm 2010 cho thấy, có tới 55,5% cán bộ không có trình độ chuyên môn. Theo nghị định của Chính phủ, đầu năm 2011, các cán  bộ khuyến nông cấp xã sẽ được đưa vào biên chế. Tưởng là tin mừng, nhưng với không ít cán bộ khuyến nông đương nhiệm bỗng dưng thất nghiệp, vì để vào biên chế, họ phải có trình độ ít nhất là trung cấp.
Sĩ tử thờ ơ
Trong khi nguồn nhân lực hiện tại thiếu và yếu, nguồn nhân lực tương lai của khối ngành này cũng không nhiều hứa hẹn khi sinh viên không “nhòm ngó”. Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên cho biết, hiện trường tuyển sinh bốn khối ngành là nông lâm, y, sư phạm và kinh tế thì chỉ có khối nông lâm liên tục nhiều năm không thể tuyển đủ chỉ tiêu dù chỉ lấy bằng điểm sàn của Bộ. Mùa thi năm 2010, trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu. Ông Phùng Quang Việt, Phó hiệu trưởng Đại học Hùng Vương, Phú Thọ, cũng than thở: “Trường đào tạo ngành nông lâm ngư cho các tỉnh vùng Tây Bắc, đối tượng đa số là con em dân tộc nên trình độ có hạn chế. Không tuyển đủ chỉ tiêu nên năm nào trường cũng phải làm công văn xin Bộ được áp dụng quy chế giãn điểm vùng ở mức tối đa.” Ngay một trường hàng đầu về lĩnh vực này là Đại học Nông nghiệp cũng đã phải đóng cửa một số ngành vì thí sinh không đăng ký. Năm học 2010-2011 này cũng là khoá cuối cùng đào tạo lĩnh vực nông nghiệp của Đại học Dân lập Hải Phòng ra trường. Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị cho biết, trường đã đóng cửa ngành này cách đây 3 năm vì không có sinh viên. Theo Phạm Văn Mạnh, sinh viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cả khối 12 khoá em, chỉ có một mình Mạnh thi vào nông nghiệp. Lý do các bạn không mặn mà vì xuất thân từ nông dân nên không ai muốn quay lại với nghề nông vất vả, thu nhập thấp. Các bạn ở thành phố lại càng không biết gì về nghề nông để theo đuổi./.
Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, đến năm 2015, số lao động ngành nông nghiệp đã qua đào tạo sẽ là 4,5 triệu người, tăng 1 triệu người so với hiện nay. Đến năm 2020, con số này sẽ là 6,5 triệu người.

Bài tiếp: Đi tìm lời giải cho bài toán cân bằng nhân lực

Phạm Mai Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục