Khôi phục cầu Ghềnh cần chú ý đến mỹ quan của thành phố Biên Hòa

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về phương án thiết kế khôi phục cầu Ghềnh; trong đó đề nghị thiết kế cần chú ý đến mỹ quan của thành phố Biên Hòa.
Khôi phục cầu Ghềnh cần chú ý đến mỹ quan của thành phố Biên Hòa ảnh 1Đơn vị trục vớt tháo dỡ nhịp số 1 và số 4 cầu Ghềnh cũ. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Liên quan đến việc xây lại cầu Ghềnh theo chỉ đạo khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ sau vụ tàu kéo sà lan đâm sập cầu ngày 20/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về phương án thiết kế khôi phục cầu; trong đó đề nghị thiết kế cần chú ý đến mỹ quan của thành phố Biên Hòa.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng cầu Ghềnh là một trong những công trình có giá trị về mặt kiến trúc, di tích, lịch sử, văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất và con người Biên Hòa-Đồng Nai qua nhiều thế hệ.

Ngoài ra, cầu Ghềnh còn mang tính biểu tượng của Biên Hòa-Đồng Nai.

Đối với phương án thiết kế khôi phục cầu Ghềnh của Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thống nhất với thiết kế có kết cấu dầm thép, dạng vòm, giữ được hình dáng cơ bản so với cầu cũ.

Để đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế tĩnh không thông thuyền cấp 3 (khoang thông thuyền rộng 50m, cao 7m), nâng cao cốt nền đường sắt lên thêm 2m, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhận định sẽ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại nút giao với đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bửu Hòa khi đoạn cắt qua đường Bùi Hữu Nghĩa cao hơn so với cốt hiện hữu 1m.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu thêm phương án lưu thông tại nút giao với đường Bùi Hữu Nghĩa để đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực và nghiên cứu mở rộng lối đi dành cho xe hai bánh lưu thông trên cầu.

Đối với hầm chui (nằm dưới đường sắt) tại xã Hiệp Hòa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thống nhất việc mở rộng hầm với lộ giới 12,5m (lòng đường 10,5m, vỉa hè đi bộ hai bên 2m) và độ cao tĩnh không cao nhất theo quy định.

Việc mở rộng hầm đều sang hai phía sẽ gây ảnh hưởng đến di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nên Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị nghiên cứu mở rộng hầm chui về phía bắc.

Sau sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh, ga Biên Hòa (Đồng Nai) trở thành nơi tiếp nhận lượng hành khách đông chưa từng có tại đây.

Vì vậy, ngoài việc ngành đường sắt hỗ trợ nhân lực, tỉnh Đồng Nai cũng tăng cường các lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông ở khu vực này.

Công an tỉnh, Công an thành phố Biên Hòa và các phường xung quanh khu vực ga đã bố trí lực lượng cả công khai và mật phục để ngăn chặn các hành vi trộm cắp, móc túi, cướp giật…, duy trì trật tự an ninh ở khu vực ga.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, việc ga Biên Hòa phải căng mình thay nhiệm vụ ga Sài Gòn còn kéo dài đến ngày 15/7 nên việc đảm bảo an ninh trật tự tại ga tiếp tục được các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ, bố trí lực lượng ứng trực lực lượng 24/24 giờ trong ngày.

Ban quản lý ga Biên Hòa cho biết sau khi cầu Ghềnh bị sập, mặc dù lượng hành khách đi và đến ga Biên Hòa tăng rất cao với 123 chuyến tàu từ ngày 20/3 đến 1/4, tương ứng với 23 ngàn hành khách nhưng tình hình an ninh trật tự tại ga vẫn được đảm bảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục