Khởi sự kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng kể, lên đến 72 bậc

CIEM: Khởi sự kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng kể, lên đến 72 bậc

Theo Ban Môi trường kinh doanh-năng lực cạnh tranh (CIEM), khởi sự kinh doanh được cải thiện lên đến 72 bậc, cao hơn mức trung bình của ASEAN 6.
CIEM: Khởi sự kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng kể, lên đến 72 bậc ảnh 1Giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 19/2014 ra ngày 18/3/2014 và Nghị quyết 19/2015 ra ngày 12/3/2015 của Chính phủ (Nghị quyết 19) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, tổ chức sáng 18/6, tại Hà Nội.

Hội thảo này do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho biết nhận thức được vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế ở Việt Nam, CIEM đã mời đại diện của các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp và chuyên gia có mặt để cùng nhau nhìn lại tiến độ thực hiện Nghị quyết 19/2015; xác định các giải pháp thiết thực xử lý những thách thức trước mắt.

Báo cáo tiến độ thực hiện và các khuyến nghị được đưa ra sau hội thảo này sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết nhiều tiến bộ đáng kể đã đạt được trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh năm 2014.

Đơn cử, với Luật Doanh nghiệp 2014, thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn 3 ngày trong khi mục tiêu của Nghị quyết 19 là 6 ngày, khởi sự kinh doanh được cải thiện lên đến 72 bậc, cao hơn mức trung bình của ASEAN 6. Về bảo vệ nhà đầu tư, kết quả thực hiện được cải thiện 105 bậc, đạt mức trung bình của ASEAN 6.

Ở chỉ tiêu tiếp cận điện năng cũng đã được cải thiện 12 bậc, nhưng vẫn chưa đạt mức trung bình của ASEAN 6 và còn khoảng cách tới 15 ngày so với yêu cầu của Nghị quyết 19. Tương tự, việc nộp thuế và bảo hiểm xã hội tuy đã cải thiện 27 bậc nhưng vẫn chưa đạt trung bình ASEAN 6.

Khoảng cách so với chỉ tiêu của Nghị quyết 19 là 35,5 giờ đối với nộp thuế và 185,5 giờ đối với nộp bảo hiểm xã hội. Nhất là trong số những nhiệm vụ, giải pháp chưa triển khai thực hiện trong năm 2014 đó là rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Về tình hình triển khai Nghị quyết 19/2015, Nghị quyết này đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương.

Theo yêu cầu, trước ngày 30/4, các bộ, cơ quan, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động. Song đến ngày 17/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được kế hoạch hành động của 11 bộ, cơ quan và 11 ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố. Như vậy, đã có tới 14 bộ, cơ quan và tới 52 ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chưa có kế hoạch hành động; trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương được Ngân hàng Thế giới lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh cho Việt Nam.

Hơn nữa, hầu hết kế hoạch hành động đã gửi vẫn chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện và dự kiến kết quả đạt được. Một số bộ và hầu hết các địa phương chưa nắm được phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 19. Do đó, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động chưa bám sát chỉ tiêu theo yêu cầu…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị các bộ có liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về quản lý đối với hàng giá xuất khẩu, nhập khẩu nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong thông uqan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đồng thời, các đại biểu yêu cầu khẩn trương hướng dẫn việc công nhận chứng nhận kiểm tra của những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nỏi tiếng đã được quốc tế thừa nhận; đồng thời, hướng dẫn và phản hồi kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục có liên quan…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục