"Không cấp phép cho nhà máy chưa có hệ thống xử lý nước thải"

Trong năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cần “dung cảm” hơn trong công tác thanh-kiểm tra, quyết liệt xử lý vi phạm, để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
"Không cấp phép cho nhà máy chưa có hệ thống xử lý nước thải" ảnh 1Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (đứng giữa) trao tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ cho Thứ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh việc khẳng định những đóng góp quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2015 đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cần “dũng cảm” hơn trong công tác thanh-kiểm tra, quyết liệt xử lý vi phạm, để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch 2016 của ngành tài nguyên và môi trường vừa diễn ra ngày 5/1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, yêu cầu đặt ra là cần nhìn nhận thẳng thắn vào các mặt hạn chế, đưa ra các văn bản pháp luật để sớm có các giải pháp khắc phục.

“Đơn cử như lĩnh vực đất đai, chúng ta muốn làm dự án thì phải giải phóng được mặt bằng. Phải thừa nhận, hiện nay cơ sở mặt bằng đã có bước đột phá, nhưng vẫn còn rất yếu kém. Vì thế, nếu cứ tiếp tục đầu tư trong khi vốn đã yếu, việc giải phóng mặt bằng cứ kéo dài thì sẽ tạo ra khiếu kiện không đáng có,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ.

Về cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hiện nay, ngành tài nguyên và môi trường đã giảm được khoảng 30 thủ tục. Đây là việc làm rất quan trọng, và về lâu dài cần tiếp tục sửa đổi để giảm dần cơ chế “xin - cho,” tránh việc ôm đồm trong công việc.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho biết, trong bối cảnh hội nhập, ngành tài nguyên và môi trường cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên nước; tích cực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tập trung nguồn lực, rà soát, đôn đốc các dự án liên quan, trong đó chú ý bám sát bảo đảm thực thi mục tiêu của COP21 mà Thủ tướng Chính phủ tham dự với những cam kết mạnh mẽ, đóng góp quan trọng.

"Tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cần quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các hành vi xả thải, sản xuất gây ô nhiễm. Dứt khoát không cấp phép hoạt động đối với các nhà máy, cụm, khu công nghiệp chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải," Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Những “đột phá” trong năm 2015

Năm 2015 được coi là năm có những bước tiến lớn của ngành tài nguyên và môi trường trong hoàn thiện thể chế với việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Khí tượng thủy văn; trình Chính phủ ban hành 9 nghị định, 7 quyết định, ban hành 75 thông tư và thông tư liên tịch; tập trung rà soát các quy hoạch, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, trong quản lý chuyên ngành, lĩnh vực đất đai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất đã cơ bản được các địa phương triển khai thực hiện theo quy hoạch; sàng lọc được các nhà đầu tư có năng lực bảo đảm đưa đất vào sử dụng, không để đất đai lãng phí bỏ hoang.

Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thanh tra có trọng tâm, trọng điểm làm định hướng chung cho các địa phương. Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tập trung giải quyết những vụ việc khiếu phức tạp, kéo dài, qua đó đã kịp thời phát hiện những yếu kém và các sai phạm để xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cũng trong năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp, chỉ đạo các Sở tài nguyên và môi trường địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh bảo thiên tai; tích cực triển khai các hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo.

“Trên cơ sở đó, trong năm 2015, toàn ngành đã nâng cao hiệu lực quản lý, phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường cho phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào thu ngân sách nhà nước. Trong đó, tính đến hết tháng 11/2015 đã thu từ đất đạt 49.200 tỷ đồng; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 7.500 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước,” Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Về kế hoạch trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức của ngành, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, công chức; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý theo yêu cầu. Đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức trong quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, “Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chú trọng nghiên cứu khoa học về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, sớm hình thành một số chuyên ngành khoa học mũi nhọn như năng lượng tái tạo, tái chế chất thải,” đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nói../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục