"Không có lý do gì để gây khó dễ với người tự ứng cử"

"Không có lý do gì để gây khó dễ, phân biệt với người tự ứng cử"

Theo thống kê sơ bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số lượng người tự ứng cử có phần tăng hơn nhiệm kỳ trước. Hai địa bàn thu hút nhiều người tự ứng cử là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
"Không có lý do gì để gây khó dễ, phân biệt với người tự ứng cử" ảnh 1Cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII, năm 2011. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tính đến ngày 5/3, cả nước đã có trên 50 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số người tự ứng cử có xu hướng tăng lên, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều đó cho thấy những đổi mới về thể chế và sự dân chủ của luật pháp, sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử với các ứng cử viên tự do.

Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Pha.

- Số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân đang có xu hướng tăng dần, ông có thể cho biết tình hình cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Pha: Hiện báo cáo thống kê chưa đầy đủ nhưng số lượng người tự ứng cử có phần tăng hơn nhiệm kỳ trước. Hai địa bàn thu hút nhiều người tự ứng cử là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh đã có 24 người tự ứng cử, trong đó có 13 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, 11 người tự ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang đề nghị các địa phương báo cáo, bởi con số chốt cuối cùng vẫn là sau ngày 13/3 - ngày mà theo quy định người ứng cử phải nộp đơn, hồ sơ ứng cử.

-Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng người tự ứng cử tăng lên là tín hiệu tốt cho đất nước, ông nhìn nhận về quan điểm này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi nghĩ ý kiến này cũng có lý. Điều này chứng tỏ người dân tin tưởng vào sự đổi mới về thể chế. Luật pháp dân chủ hơn, đổi mới trong cách làm, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong bầu cử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tự ứng cử, khi có nguyện vọng có thể đăng ký làm thủ tục để ứng cử. Đó là tín hiệu tốt.

Thông thường nếu số lượng tăng, việc lựa chọn sẽ tốt hơn. Nếu như số lượng người tự ứng cử tăng lên, kèm theo đó là chất lượng tăng lên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn để qua hiệp thương giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

- Tuy nhiên, một số người tự ứng cử lo ngại có thể họ sẽ bị phân biệt đối xử trong tiến trình bầu cử?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi cho rằng, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân đã quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ trong bầu cử.

Ví dụ, việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội là trách nhiệm của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh mà Sở Nội vụ là cơ quan thường trực.

Theo quy định, Sở Nội vụ có quyền thẩm định, xem xét hồ sơ. Nếu thấy đủ điều kiện, sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đó sang cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh để xem xét hiệp thương. Những người có nhu cầu tự ứng cử phải nghiên cứu kỹ Luật để có cơ sở đánh giá trách nhiệm của Ủy ban bầu cử, của Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Nếu làm không đúng, người tự ứng cử có quyền kiến nghị các cơ quan xem xét, xử lý, không nên quá lo lắng cho rằng việc mình tự ứng cử sẽ bị gây khó dễ.

Các cơ quan liên quan không có lý do gì để gây khó dễ, hay phân biệt đối xử đối với những người hoàn toàn đủ điều kiện tự ứng cử.

-Việc nghệ sỹ hài Nguyễn Công Vượng (Vượng Râu) tự ứng cử đại biểu Quốc hội đang gây dư luận trong xã hội, ông có cho rằng đó là một kiểu phân biệt đối xử?

Ông Nguyễn Văn Pha: Nếu có sự phân biệt đối xử, đấy là sự phân biệt đối xử của dư luận trên báo chí. Theo tôi, như vậy không đúng. Trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, nhiều văn nghệ sỹ đã tham gia Quốc hội.

Nghệ sỹ Thúy Cải, Đoàn Quan họ Bắc Ninh tham gia một nhiệm kỳ Quốc hội đã phát huy rất tốt vai trò là một đại biểu đại diện cho giới văn nghệ sỹ trong Quốc hội.

Nếu nghệ sỹ Vượng Râu ứng cử đại biểu Quốc hội với đầy đủ các điều kiện về tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật bầu cử, sẽ không có lý do gì để phê phán hay phân biệt đối xử. Mặt trận Tổ quốc sẽ xem xét tất cả các điều kiện liên quan, từ hồ sơ lý lịch, ý kiến cử tri nơi người tự ứng cử làm việc và cư trú, những vấn đề thuộc về nhân thân, nếu đủ điều kiện sẽ đưa người đó vào danh sách ứng cử viên chính thức.

Có danh sách chính thức rồi, quyền quyết định cuối cùng thuộc về cử tri. Cử tri là người quyết định ứng cử viên nào sẽ xứng đáng làm đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ các cơ quan truyền thông không nên có những bài viết hay bình luận mang tính chất phân biệt đối xử như thế.

Người ứng cử là người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu và người tự ứng cử. Theo quy định pháp luật hiện nay, không có quy định nào phân biệt hai đối tượng này. Nếu tổ chức, cá nhân nào có biểu hiện phân biệt đối xử, tìm cách gây khó dễ, kỳ thị, đương nhiên là sẽ vi phạm pháp luật.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khuyến nghị với Mặt trận Tổ quốc các địa phương cần giải thích rõ cho người ứng cử biết quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải giám sát các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của họ, hạn chế tối đa sự phân biệt đối xử đối với người tự ứng cử.

"Không có lý do gì để gây khó dễ, phân biệt với người tự ứng cử" ảnh 2Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

-Ở một góc nhìn khác, ông có cho rằng người tự ứng cử cũng phải là người có ý thức ứng cử một cách nghiêm túc?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi rất muốn có diễn đàn để nói chuyện này. Tôi làm nhiệm vụ phục vụ cho các cuộc bầu cử đến nay là 4 kỳ rồi. Rất tiếc là có khá nhiều người tự ứng cử chưa nghiêm túc, không xác định được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, ứng cử với nghĩa “thử” xem thế nào, thậm chí là thách thức.

Người tự ứng cử phải xác định hết sức nghiêm túc trách nhiệm của mình; cần xác định tự ứng cử với mục đích là trúng cử. Để được trúng cử, người tự ứng cử phải thể hiện rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình; bản thân người tự ứng cử và gia đình họ phải thực sự thuyết phục được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú.

-Ông muốn nhắn nhủ gì tới những người ứng cử, đặc biệt là người tự ứng cử?

Ông Nguyễn Văn Pha: Những người có ý định tự ứng cử phải suy nghĩ hết sức nghiêm túc trước khi làm hồ sơ. Luật pháp rất công khai, trên mạng cũng có, các hiệu sách cũng có, hãy đọc, nghiên cứu Luật cho kỹ để xem mình có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng Nhân dân không.

Thứ hai, phải xem mình có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ người đại biểu hay không. Một nhiệm kỳ 5 năm là rất dài, là đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng họ vẫn phải làm việc, phải hoạt động. Khi đã tham gia vào Quốc hội, vào Hội đồng Nhân dân, người đó phải có trách nhiệm thực hiện tốt, gắn bó, phải tham gia các kỳ họp, phải tiếp xúc cử tri… mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi trách nhiệm rất cao, chưa nói câu chuyện về mặt các tiêu chuẩn.

Rồi vấn đề về tài sản, về đạo đức nhân thân, tài sản phải kê khai nghiêm túc, nhân thân phải thực sự trong sạch, kể cả người được giới thiệu lẫn người tự ứng cử… Thực ra 5 năm, người dân, các cơ quan, tổ chức có rất nhiều thời gian để “soi”, nếu có khuất tất sẽ rất bất lợi. Không ứng cử thì thôi, trúng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp rồi mà bị bãi nhiệm là một câu chuyện hết sức buồn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục