Không khí ảm đạm tiếp tục bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chứng khoán Phố Wall lại dao động bất nhất sau khi nền kinh tế Mỹ tiếp nhận một vài số liệu tiêu cực và một loạt doanh nghiệp công bố báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng.
Không khí ảm đạm tiếp tục bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ ảnh 1Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiếp nối diễn biến mờ nhạt của phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán phố Wall lại dao động bất nhất trong ngày giao dịch 4/11, sau khi nền kinh tế Mỹ vừa tiếp nhận một vài số liệu tiêu cực và một loạt doanh nghiệp công bố báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng trong quý ba vừa qua.

Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 giảm 5,71 điểm (0,28%), xuống 2.012,10 điểm.

Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 15,27 điểm (0,33%), xuống 4.623,64 điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones lại tăng 17,6 điểm (0,1%), đóng cửa ở mức 17.383,84 điểm.

Nhân tố chính đẩy hai trong ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào "vùng đỏ" trong phiên này là giá cổ phiếu của Sprint, tập đoàn viễn thông lớn thứ ba nước Mỹ, giảm 16,5% sau khi tuyên bố cắt giảm 2.000 việc làm do thua lỗ 765 triệu USD trong quý 3/2014.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của Priceline, công ty du lịch trực tuyến hàng đầu của Mỹ, cũng "tụt" 8,4%, sau khi đưa ra mức dự báo về lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là khoảng 9,4 USD-10,10 USD/cổ phiếu trong quý bốn năm nay, thấp hơn dự đoán của giới phân tích là 10,91 USD/cổ phiếu.

Thêm vào đó, thị trường còn chịu sức ép đi xuống từ báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho hay tổng giá trị các đơn đặt hàng chế tạo mới của Mỹ trong tháng Chín vừa qua giảm gần 3 tỷ USD (0,6%) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống hơn 499 tỷ USD.

Cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại trong tháng Chín tăng lên 43 tỷ USD, do hoạt động xuất khẩu chậm lại và nhập khẩu thì gần như không đổi so với tháng trước đó. Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới, giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phải hứng những "cơn gió ngược" từ sự tăng trưởng trì trệ của châu Âu và giá dầu liên tục sụt giảm.

Cùng phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng ngập trong "sắc đỏ", sau khi Ủy ban châu Âu (EC) vừa hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2014 và 2015 lần lượt xuống các mức 0,8% và 1,1%, so với các mức dự báo trước đó là 1,2% và 1,7%; đồng thời, EC cũng cảnh báo rằng Pháp và Italy vẫn là những rào cản chính đối với đà phục hồi kinh tế Eurozone, nhất là trong việc thu hút đầu tư.

Kết thúc phiên tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,52%, xuống 6.453,97 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 cũng mất 1,52%, xuống 4.130,19 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 hạ 0,92%, đóng cửa ở mức 9.166,47 điểm.

Hòa theo xu hướng giảm điểm tại thị trường Mỹ và châu Âu, tới đầu phiên giao dịch ngày 5/11, các thị trường chứng khoán châu Á đều đồng loạt đi xuống. Mở cửa phiên này, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 77,03 điểm (0,46%), xuống 16.785,44 điểm, do hoạt động bán tháo chốt lời ồ ạt sau phiên tăng mạnh trước đó nhờ quyết định nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ gây bất ngờ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải cũng giảm nhẹ 1,49 điểm (0,06%), xuống 2.429,19 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Hang seng của Hong Kong lại mở cửa tăng không đáng kể 1,18 điểm, lên 23.846,84 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục