“Không phải quốc gia nào xử lý nợ xấu cũng thành công như Việt Nam”

Ông Powell nhận định nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều giải pháp xử lý nợ xấu nhưng không phải quốc gia nào cũng thành công như Việt Nam.
“Không phải quốc gia nào xử lý nợ xấu cũng thành công như Việt Nam” ảnh 1Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp ông Jerome Powell. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Ngày 31/3, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) do ông Jerome Powell, thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ làm Trưởng đoàn nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc đã thông báo cho đoàn những kết quả về phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, cải cách nền kinh tế, cơ cấu lại khu vực ngân hàng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, cũng như định hướng điều hành kinh tế, thực thi chính sách tiền tệ và tiếp tục cơ cấu lại khu vực ngân hàng thời gian tới.

Ông Jerome Powell đánh giá cao và hoan nghênh các kết quả về ổn định và phát triển kinh tế, cũng như điều hành chính sách tiền tệ mà Việt Nam đạt được những năm qua, nhấn mạnh sự quan tâm của Fed đối với những diễn biến kinh tế, tài chính của Việt Nam và bày tỏ mong muốn có nhiều cơ hội chia sẻ kinh nghiệm về điều hành vĩ mô giữa hai bên.

Tìm hiểu thông tin về cách thức, kinh nghiệm cũng như kết quả xử lý nợ xấu của Việt Nam thời gian qua, ông Powell nhận định rất nhiều quốc gia trên thế giới phải trải qua những giai đoạn nợ xấu tăng cao và đã áp dụng nhiều giải pháp xử lý nợ xấu, nhưng không phải quốc gia nào cũng thành công như Việt Nam.

Theo ông Powell, đây là kết quả của những nỗ lực và giải pháp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng. Bản thân Fed cũng đã thành công trong xử lý nợ xấu giai đoạn 2008-2010 nhờ những giải pháp rất quyết liệt.

Trong buổi tiếp, hai bên đã chia sẻ các kinh nghiệm về hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ của Việt Nam và Hoa Kỳ. Cùng chung nhận định môi trường kinh tế trong nước dù có nhiều diễn biến tích cực nhưng do diễn biến kinh tế khu vực và thế giới thời gian tới còn rất khó lường, hai bên đều cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát cần được thực hiện thận trọng trên cơ sở theo dõi sát sao các diễn biến và chỉ số kinh tế trong và ngoài nước.

Chính sách tiền tệ mà đặc biệt là việc điều chỉnh lãi suất của Fed sẽ được thực hiện về cơ bản là trên cơ sở các chỉ số kinh tế trong nước như lạm phát, tỷ giá, việc làm, nhưng cũng tính đến tác động của việc điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ đến các nền kinh tế thế giới. Vì trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại, các diễn biến kinh tế của các nước và khu vực trên thế giới sẽ đều có tác động trở lại đến bản thân nền kinh tế Hoa Kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục