Không tạo ra cơ chế “xin-cho” trong việc tiếp cận thông tin

Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật tiếp cận thông tin, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền không nên tạo ra cơ chế “xin-cho” trong việc tiếp cận thông tin.
Không tạo ra cơ chế “xin-cho” trong việc tiếp cận thông tin ảnh 1Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 14/11, thảo luận tại Tổ về Dự án Luật tiếp cận thông tin các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn nữa trong dự án luật về những nội dung về phạm vi điều chỉnh, chủ thể tiếp cận thông tin, chủ thể cung cấp thông tin, những điều cấm khi thông tin trên báo chí…để nâng cao tính khả thi của các dự án Luật sau khi ban hành; đồng thời đảm bảo thể chế hóa đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.

Dự án Luật Tiếp cận thông tin được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh, chủ thể có quyền tiếp cận, chủ thể cung cấp thông tin và biện pháp đảm bảo quyền tiếp cận thông tin.

Băn khoăn về mức độ khả thị của Dự án luật tiếp cận thông tin sau khi được ban hành, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo nên xây dựng theo hướng đảm bảo việc tiếp cận thông tin thông qua bộ máy Nhà nước là phù hợp với luật này.

Không đồng tình với quan điểm loại trừ một số tài liệu ngoài danh mục các tài liệu được tiếp cận thông tin như trong dự thảo Luật, đại biểu Quyền chỉ rõ, những loại tài liệu như tài liệu kiểm toán, thanh tra, thông tin tài liệu hồ sơ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, theo luật đều là những loại hình hoạt động công khai và đây cũng là các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Nếu giữ nguyên như dự thảo, để quy định điều chỉnh về các loại văn bản này trong các luật khác là không phù hợp, bởi thực tế các luật tố tụng hình sự, luật thanh tra đều không quy định về vấn đề công khai các loại tài liệu này.

Không nhất trí về chủ thể tiếp cận thông tin như dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, không thể chỉ quy định gói gọn là công dân mà phải là bất kể chủ thể nào; cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, cơ quan Nhà nước, hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã miễn là không làm phương hại đến các quan hệ xã hội mà Nhà nước bảo vệ.

Đề xuất một triết lý khi xây dựng dự án luật tiến bộ này, đại biểu Quyền kiến nghị cần phát triển theo hướng công khai, minh bạch thông tin.

Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cần phải xuất phát từ tình khả thi ở phía cơ quan Nhà nước và năng lực tiếp cận thông tin của người tiếp cận chứ Nhà nước không thể đảm bảo được,” đại biểu khẳng định.

Mở rộng lập luận của mình, đại biểu Quyền nhấn mạnh, không nên tạo ra cơ chế “xin-cho” trong việc tiếp cận thông tin giữa chủ thể có nhu cầu tiếp cận thông tin với chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, bởi cơ quan Nhà nước không thể đủ năng lực đáp ứng quá nhiều yêu cầu, đề nghị cung cấp thông tin. Với phân tích này, đại biểu Quyền đề nghị nên xây dựng luật theo hướng tất cả các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu tất cả mọi hoạt động và công khai minh bạch để mọi chủ thể có thể tiếp cận, khai thác, copy, chụp ảnh, sử dụng dễ dàng.

Tán thành những phân tích của đại biểu Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định, xây dựng và ban hành Dự án Luật Tiếp cận thông tin thực sự là một bước tiến mới trong việc đảm bảo quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Song, đại biểu cũng kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ trong luật về các nội dung loại trừ mà người dân không được tiếp cận thông tin như các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia…để người dân biết.

Quan tâm đến những quy trình về phương thức lấy thông tin, nữ đại biểu Bùi Thị An mong muốn dự thảo cần có quy định cụ thể về tiến độ cung cấp, đồng thời cũng cần xây dựng chế tài xử lý việc trì hoãn cung cấp thông tin của chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Khẳng định quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận xét, thực tế hiện nay quyền tiếp cận thông tin của người dân vẫn còn hạn chế. Việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để người dân thực hiện quyền của mình theo Hiến pháp.

Phân tích về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đại biểu Nguyệt Hường kiến nghị cần phải bổ sung chủ thể tiếp cận thông tin bao gồm cả các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp. Nhấn mạnh nhà báo, cơ quan báo chí là những đối tượng có nhu cầu tiếp cận thông tin rất lớn để xác minh sự thật của các vụ việc, sự kiện, bởi vậy, cần bổ sung cả đối tượng Nhà báo, cơ quan báo chí vào đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật bởi trước hết, mỗi nhà báo cũng là một công dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục