"Không thể kéo dài tình trạng mỗi nhà một chiếc xe kinh doanh"

Theo quy định tại Nghị định 86/NĐ-CP, xe hợp đồng “núp bóng” xe khách sẽ bị quy định quy mô để phân loại các đơn vị kinh doanh vận tải, quản lý phạm vi hoạt động luồng tuyến đối với từng loại hình.
"Không thể kéo dài tình trạng mỗi nhà một chiếc xe kinh doanh" ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn ôtô thảm khốc tại Lào Cai ngày 1/9 vừa qua (Ảnh: Vietnam+)

Xe hợp đồng “núp bóng” xe khách sẽ bị quản chặt chẽ, quy định quy mô (căn cứ vào số lượng phương tiện) để phân loại các đơn vị kinh doanh vận tải, quản lý phạm vi hoạt động luồng tuyến đối với từng loại hình, thu hồi giấy phép kinh doanh… là một trong những nội dung chủ đạo trong Nghị định 86/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/12/2014.

Quản xe hợp đồng trá hình

Tại cuộc họp báo sáng nay (17/9) của Bộ Giao thông Vận tải về Tuyên truyền Nghị định 86 của Chính phủ về quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, Nghị định 86 sẽ “siết” điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải, giúp cơ quản lý Nhà nước “quản” chặt và hậu kiểm thông qua các quy định, thiết bị hộp đen.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), vận tải khách theo hợp đồng tham gia vào hoạt động này khá lớn nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể lên tới hàng chục nghìn xe, việc quản lý đối tượng này hết sức phức tạp, khó khăn.

“Trong quy định hiện hành cho phép các hộ kinh doanh cũng được kinh doanh loại hình này, đầu mối nhiều, quy định văn bản pháp luật có lỏng lẻo như không cấm xe hợp đồng đón trả khách sai điểm dừng đón, nên đã có thời gian xe này tranh giành khách với xe vận tải liên tỉnh cố định. Quy định này đã bị khép lại trong Nghị định 86,” ông Quyền khẳng định.

Đề cập đến biện pháp quản lý xe hợp đồng không tranh giành khách với xe tuyến cố định, gây nguy hiểm, mất trật tự an toàn giao thông, ông Quyền đưa ra giải pháp yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng trước khi thực hiện hợp đồng phải báo cáo về Sở Giao thông Vận tải với tiêu chí theo hướng báo cáo trên mạng.

Cụ thể, các đơn vị phải sử dụng mạng máy tính, truyền về sở, báo cáo cập nhật thông tin về chuyến xe của mình, hợp đồng với ai, xuất phát ở đâu, chở khách đến đâu, dừng ở đâu cho khách lên xuống, thời gian thực hiện bao nhiêu ngày…

“Dựa vào đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ căn cứ vào thiết bị hộp đen để hậu kiểm. Như vậy vừa không rườm rà, phát sinh thêm mà lại quản lý được đối tượng này,” vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định.

Liên quan đến điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải, Nghị định 86 cũng có điểm mới khi quy định số lượng xe tối thiểu mới được cấp phép kinh doanh, ông Quyền nhìn nhận, hiện nay, quản lý vận tải rất lỏng lẻo, chất lượng dịch vụ thấp, an toàn giao thông kém, hiệu quả kinh doanh của các đơn vị thấp, quản lý nội bộ doanh nghiệp làm rất đơn giản.

“Chúng ta không thể kéo dài tình trạng mỗi nhà một chiếc xe kinh doanh, đến ngành nông nghiệp cũng còn chấm dứt tình trạng mỗi nhà dăm bảy mảnh ruộng mà phải thực hiện dồn điền đổi thửa, đây là tiến trình tất yếu của quá trình vận tải đường bộ,” ông Quyền cho hay.

Đặc biệt, tại cuộc họp, đại diện các cơ quan chức năng cũng “mổ xẻ” thực trạng quản lý luồng tuyến vận tải bấy lâu nay giao cho các đơn vị kinh doanh vận tải nghiên cứu thị trường, chỗ nào có nhu cầu thì doanh nghiệp đề xuất mở tuyến vận tải theo tuyến cố định, các Sở Giao thông Vận tải cho chạy thử, phạm vi Sở thì Sở cấp, phạm vi Tổng cục thì đề xuất Tổng cục, sau đó cho chạy thử 6 tháng nếu được thì cho phép mở tuyến.

Tuy nhiên, chính điều này đã nảy sinh tính trạng, nhưng tuyến nhỏ lẻ, phân tán cùng với đó là các đơn vị nhỏ lẻ phát sinh nhưng lại chạy ở những tuyến rất dài, lên tới cả nghìn km, bán vé thì ít ra đường nhặt khách, tranh giành khách gây mất trật tự an toàn giao thông.

“Tổng cục Đường bộ sẽ quy hoạch mở để siết lại điều kiện tiêu chí mở tuyến, như điều kiện bến, lưu lượng đi lại, số lượng chuyến xe bình quân xuất bến trong tháng, tuần phải đạt như thế nào. Rà soát các tuyến hiện nay, tuyến nào không đạt thì phải sắp xếp lại,” ông Quyền nói.

"Không thể kéo dài tình trạng mỗi nhà một chiếc xe kinh doanh" ảnh 2Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Chờ báo cáo thử nghiệm xe giường nằm

Trước ý kiến cần phải xem xét lại thiết kế xe khách giường nằm hai tầng sau vụ tai nạn giao thông ở Lào Cai vừa qua, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, Cục đang nghiên cứu phù hợp xe với từng cung đường, trên cơ sở này có chính sách, lộ trình cụ thể với từng loại xe cụ thể.

“Hiện Cục đang triển khai thử nghiệm, tháng Chín này sẽ hoàn thành báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về sự tương quan giữa xe và đường để đề xuất cung đường và lộ trình đồng thời sẽ sửa đổi tiêu chuẩn của ôtô khách, đặc biệt là xe giường nằm theo hướng tăng tính an toàn.” Cục trưởng Trần Kỳ Hình khẳng định.

Đồng tình quan điểm này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cho rằng, sẽ căn cứ vào kết quả thử nghiệm của Cục Đăng kiểm để có những điều chỉnh về luồng tuyến, thời gian chạy xe đối với loại xe này.

Đáng lưu ý, Nghị định 86 cũng quy định, từ ngày 1/1/2016 không được sử dụng xe ôtô chuyển đổi công năng (xe hoán cải) để vận tải khách.

Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng cho biết, đối với những xe khách đã hoán cải trước đây, Bộ Giao thông Vận tải không hồi tố, song sẽ có lộ trình để doanh nghiệp đưa các phương tiện đã hoán cải này chuyển đổi sang hoạt động ở những cung đường phù hợp.

Nhấn mạnh đến việc Nghị định 86 sẽ “bóp” chặt hơn về điều kiện kinh doanh vận tải, theo vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn khi kinh doanh loại hình vận tải không đúng theo Giấy phép kinh doanh; trong thời gian 1 năm có trên 50% số xe hoạt động mà người lái xe vi phạm luật gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng; trong thời gian 3 năm có tái phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng./.

Nghị định 86 cũng quy định về niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở khách, loại bỏ tình trạng xe cũ nát chạy dọc đất nước. Cụ thể, ôtô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên đối với cự ly trên 300 km phải có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với ô tô sản xuất để chở người. Đối với cự ly từ 300 km trở xuống thì niên hạn không quá 20 năm đối với ôtô sản xuất để chở người.

Nghị định cũng quy định xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác.Và từ ngày 1/7/2016, taxi phải có hóa đơn tính tiền để công khai, minh bạch cho hành khách nắm rõ. Cũng từ ngày 1/1/2016, các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi ở những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phải có tối thiểu từ 50 xe trở lên.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục