Không tổ chức HĐND quận huyện là một vấn đề mở

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa đề cập việc không tổ chức HĐND  quận, huyện, phường nhưng đây là vấn đề mở.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về những ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến nội dung không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường cũng như quy định về mô hình này trong Dự thảo Hiến pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Tổ trưởng Tổ giúp việc đồng thời là Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 cho biết Dự thảo chưa đề cập nội dung không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường trong phạm vi cả nước nhưng đây vẫn là vấn đề mở.

- Ông nhìn nhận thế nào về chế định Hội đồng Nhân dân trong các bản Hiến pháp 1992 và 1946?

- Thứ trưởng Hoàng Thế Liên:
Về Hội đồng Nhân dân, khi góp ý xây dựng Hiến pháp năm 1992 cũng thảo luận như lần này nhưng chưa đạt được đồng thuận và vẫn giữ nguyên như Hiến pháp 1980, nghĩa là vẫn công nhận đơn vị hành chính lãnh thổ là thành phố chia thành quận, quận chia thành phường; tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành xã. Cùng với cấp Trung ương, Việt Nam có 4 cấp chính quyền, trong đó ở địa phương là 3 cấp.

Bên cạnh đó, Hiến pháp 1992 lại đồng nhất đơn vị hành chính lãnh thổ với tổ chức chính quyền địa phương, do đó, mỗi đơn vị hành chính lãnh thổ đều tổ chức chính quyền thống nhất, đồng bộ gồm Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân. Qua tổng kết cho thấy cách thức tổ chức như vậy chưa phân biệt được đơn vị hành chính lãnh thổ với phương thức tổ chức chính quyền ở từng đơn vị hành chính lãnh thổ đó. Vì đơn vị hành chính lãnh thổ có nơi do quá trình phát triển tự nhiên mà có, cũng có nơi do quyết định hành chính mà có.

Trong khi đó, Hiến pháp 1946 lại phân biệt rất rõ, đơn vị hành chính lãnh thổ địa phương bao giờ cũng có Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân. Còn đơn vị hành chính lãnh thổ do quyết định hành chính mà có thì chỉ có Ủy ban Nhân dân.

- Theo kết quả điều tra dư luận xã hội được Bộ Nội vụ công bố, có đến 79% số người được hỏi đồng tình với việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường. Đây cũng là cơ sở để Bộ này kiến nghị thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường trong phạm vi cả nước. Ông nghĩ sao về kiến nghị này?

- Thứ trưởng Hoàng Thế Liên:
Hội đồng Nhân dân là cơ quan đại biểu cho nhân dân, bản thân phải có sự gắn kết, nếu không có sự gắn kết sẽ không làm được gì và 3 cấp chính quyền cùng tổ chức giống nhau sẽ rất cồng kềnh. Thực tiễn đã chứng minh nhiều Hội đồng Nhân dân hoạt động hình thức. Việc tổ chức các cấp chính quyền giống nhau nên giữa đô thị và nông thôn chưa có sự phân biệt, trong khi đặc trưng của đô thị và nông thôn khác nhau nên cách thức quản lý nhà nước ở đô thị và nông thôn cũng khác nhau. Quá trình tổng kết Hiến pháp, chúng tôi đã nhận ra điều này nên đề xuất thực hiện theo mô hình đã thí điểm.

Tuy nhiên, khi đưa ra, có ý kiến cho rằng chưa tổng kết thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường nên không thể đưa vào Hiến pháp. Nội dung đưa vào Hiến pháp thì phải chắc chắn, đã chín muồi, tổng kết một cách sâu sắc. Vẫn còn có ý kiến nghiêng về phải có Hội đồng Nhân dân vì đó là thiết chế thuộc về nhân dân, rất dân chủ, nếu không có Hội đồng Nhân dân thì lấy đâu thiết chế để nhân dân thông qua đó giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Vì thế, vấn đề không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường vẫn chưa được đưa vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhưng không có nghĩa là mọi việc đã khép lại. Dự thảo Hiến pháp lần này rất hay, có sự phân biệt giữa đơn vị hành chính lãnh thổ với cách thức tổ chức chính quyền từng đơn vị hành chính lãnh thổ.

- Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?


- Thứ trưởng Hoàng Thế Liên: Về đơn vị hành chính lãnh thổ, chúng ta vẫn cơ bản ghi nhận về cấp đơn vị hành chính lãnh thổ như Hiến pháp 1980, 1992 và có bổ sung thêm là đối với những đơn vị hành chính lãnh thổ kinh tế xã hội đặc biệt như Phú Quốc, Vân Đồn tới đây, đơn vị hành chính huyện đảo mà không có xã thì do Luật định, tức là có mở thêm. Còn cách thức tổ chức chính quyền trên từng lãnh thổ đó thì lần này giao cho Luật định, tổ chức phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Khi khẳng định đơn vị lãnh thổ và khẳng định việc tổ chức chính quyền từng đơn vị hành chính lãnh thổ đó giao cho luật định để phù hợp với đặc thù từng đơn vị là mở một cánh cửa rất rộng, để khi xây dựng luật về tổ chức chính quyền địa phương, chúng ta sẽ đưa ra nguyên tắc ở đâu thì 1 cấp, ở đâu 2 cấp, 3 cấp chứ không phải mô hình nông thôn hai cấp, đô thị một cấp thống nhất trong toàn quốc.

Chúng ta nói phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhưng thực tế hiện nay, không đô thị nào của Việt Nam thuần là đô thị. Trong đô thị vẫn có huyện, có xã, có đồng bào dân tộc. Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là đô thị phát triển nhất mà vẫn trong tình trạng nửa đô thị nửa, nông thôn. Cách thức tổ chức trong điều kiện tổng kết chưa sâu sắc, điều kiện kinh tế xã hội còn khác nhau như vậy mà đưa ra một mô hình thống nhất trong toàn quốc thì không phù hợp. Do đó, Hiến pháp trao lại cho Luật quy định mô hình tổ chức chính quyền trên từng lãnh thổ thì chúng ta sẽ có điều kiện để tổ chức chính quyền địa phương trong từng đơn vị lãnh thổ phù hợp hơn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã khẳng định nếu tổng kết thí điểm tốt, nhân dân đồng tình cao thì sẽ đưa mô hình này vào Hiến pháp để áp dụng chung trong toàn quốc ./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục