"Không vì tranh thủ lợi thế của mình để phương hại chủ quyền"

Đại diện Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-132 cho rằng, các nước không thể chỉ vì tranh thủ lợi thế của mình mà phương hại tới chủ quyền và lợi ích các quốc gia.
"Không vì tranh thủ lợi thế của mình để phương hại chủ quyền" ảnh 1Quyền trẻ em là vấn đề cơ bản các nước quan tâm khi xử lý những vấn đề toàn cầu. (Ảnh: TTXVN)

Bỏ phiếu thuận với dự thảo Nghị quyết "Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người," đại diện Việt Nam cho rằng, các nước không thể chỉ vì tranh thủ lợi thế của mình mà phương hại tới chủ quyền và lợi ích các quốc gia.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn về vấn đề nhận được nhiều quan tâm này với ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nghiệm Ủy ban luật pháp của Quốc hội, đại diện Việt Nam tham dự phiên họp của Ủy ban Trật tự về Dân chủ và Nhân quyền. Đây là phiên họp trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), diễn ra ngày 30/3, tại Hà Nội.

- Ông có thể cho biết những nội dung chính trong dự thảo "Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người" vừa được Ủy ban Trật tự về Dân chủ và Nhân quyền bàn sáng nay (30/3)?

Ông Lê Minh Thông: Sáng nay phiên họp đầu tiên của Ủy ban Trật tự về Dân chủ và Nhân quyền tiếp tục có một số thảo luận liên quan tới dự thảo nghị quyết về luật quốc tế trong liên hệ với chủ quyền quốc gia và quyền con người.

Đây là dự thảo nghị quyết rất quan trọng được thảo luận từ IPU-131, lẽ ra được thông qua trước đó nhưng do một số ý kiến khác nhau và những vấn đề thủ tục nên chưa được hoàn thiện.

Lần này, tại Hà Nội, chúng tôi rất vui vì dù còn ý kiến khác nhau nhưng nghị quyết đã được thông qua với 38 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 10 phiếu trắng.

Dự thảo đề cập 3 nội dung quan trọng đời sống quốc tế hiện nay là luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Theo đó, dự thảo nhấn mạnh các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và xem luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột.

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết nêu rõ, bên cạnh việc tôn trọng đề cao luật pháp quốc tế thì các quốc gia cũng không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác thành viên và phải tôn trọng chủ quyền quốc gia thành viên.

Đặc biệt, dự thảo nghị quyết lần này khẳng định quyền con người và xem quyền con người phải là yếu tố căn bản của cuộc sống ngày nay. Luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn luôn lấy quyền con người làm trung tâm.

Dự thảo nhấn mạnh quyền phụ nữ, quyền những người tị nạn và quyền trẻ em. Đó là những vấn đề cơ bản các nước quan tâm khi xử lý những vấn đề toàn cầu có liên quan tới con người.

"Không vì tranh thủ lợi thế của mình để phương hại chủ quyền" ảnh 2Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nghiệm Ủy ban luật pháp của Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

- Những mâu thuẫn về quan điểm giữa các nước về vấn đề trên trước đó là gì, thưa ông?

Ông Lê Minh Thông: Trong quá trình thảo luận trước đó, các quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau. Có quốc gia đề cao luật pháp quốc tế, có nước đề cao chủ quyền quốc gia, có quốc gia lại đề cao quyền cao người. Ngoài ra, có quốc gia lại không đặt trong quan hệ tương hỗ giữa 3 yếu tố là luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người nên có những quan điểm khó dung hòa.

Việc tiếp thu ý kiến giữa các quốc gia, nhất là các quốc gia vẫn chưa đồng thuận khiến hội đồng quyết định chuyển thời gian quyết định tới Đại hội đồng tổ chức ở Hà Nội.

- Quan điểm của Việt Nam về vấn đề luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người được nêu trong dự thảo ra sao, thưa ông?

Ông Lê Minh Thông: Việt Nam đã tích cực tham gia quá trình thảo luận dự thảo nghị quyết này từ IPU-131. Về cơ bản, chúng ta nhất trí với những nội dung chính của văn kiện và cho rằng đây là dự thảo quan trọng, có ý nghĩa rất lớn với đời sống quốc tế hiện nay.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chia sẻ quan điểm một số nước lo lắng về việc tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người, không can thiệp vào việc nội bộ của nhau.

Việt Nam bỏ phiếu thuận trong lần bỏ phiếu tại Ủy ban này và cho rằng, các nước cần đề cao luật pháp quốc tế đồng thời cần phải có ý thức tôn trọng chủ quyền quốc gia, không chỉ vì tranh thủ những lợi thế của mình mà phương hại tới chủ quyền và lợi ích các quốc gia.

Tôi cho rằng đây là văn kiện quan trọng. Các nước tuân thủ văn kiện trên sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình hữu nghị trên thế giới hiện nay./.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục