"Khu vực mong manh của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng"

"Khu vực mong manh của nền kinh tế hiện nay lại là hệ thống ngân hàng, huy động không tăng lớn, nhưng lãi suất cho vay không hạ được là do tài chính của các ngân hàng thương mại đang rất khó khăn."
"Khu vực mong manh của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Tăng trưởng kinh tế đã hồi phục rõ nét hơn, trong cả đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng còn chậm được cải thiện, khi mà năng suất lao động ở mức thấp, hiệu quả đầu tư thấp và có xu hướng giảm. Mà nguyên nhân là do hệ thống động lực sai lệch, dẫn tới tín hiệu thị trường và phân bố nguồn lực bị sai lệch.”

​Rất thẳng thắn và tâm huyết, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xu hướng ngắn hạn nền kinh tế vĩ mô có dấu hiệu ổn định, song về dài hạn, các chính sách điều hành mà cụ thể về tỷ giá, tiền tệ cần có sự thay đổi. Thêm vào đó, tái cấu trúc kinh tế có nghĩa là phân bố lại nguồn lực, nên không thể thực hiện bằng hành chính mà phải để thị trường vận hành phân bố lại.

​Đây là một trong những phân tích đáng chú ý, được tiến sỹ Nguyễn Đình Cung đưa ra tại Hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2015: Chuyển biến, cơ hội và chính sách” do Dự án Hỗ trợ Nâng cao năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu kinh tế (RCV) tổ chức tại Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương ngày 29/7.

Nợ xấu “khó nói”

Báo cáo chỉ ra những yếu tố tích cực của nền kinh tế trong sáu tháng đầu năm, theo đó ngành công nghiệp-xây dựng là điểm sáng chính với mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 9,1% so với cùng kỳ 2014. Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát được duy trì ổn định ở mức thấp, CPI trong quý 2 tăng 0,65% và mức tăng tín dụng cũng có xu hướng phục hồi, đạt hơn 6% (do nhu cầu đầu tư đón đầu về các hiệp định thương mại tự do sắp hoàn tất đồng thời kết quả huy động trái phiếu Chính phủ đang giảm cho thấy các nguồn lực tài chính chuyển dần sang các kênh đầu tư khác).

"Khu vực mong manh của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng" ảnh 2

Tuy nhiên, ​ông Cung vẫn chỉ ra, kỳ vọng lạm phát là chưa giảm, rủi ro đến từ sự tăng giá hàng hóa-dịch vụ thiết yếu, lãi suất, tỷ giá... Về nợ xấu, ông Cung cho rằng “đây là vấn đề khó nói,” bởi mục tiêu chính trị giảm nợ xấu xuống 3% thì thế nào cũng làm được và ông quan tâm đến bản chất của nợ xấu hơn là các con số.

“Nợ xấu, đó là sự quan tâm của giới hoạch định chính sách. Bản chất nợ xấu đang được xử lý ra sao, đằng sau những con số còn những vấn đề gì và những tác động của nó đến nền kinh tế về trung và dài hạn ra sao. Do công tác xử lý nợ xấu thời gian qua vẫn bị hạn chế bởi nguồn lực, tài lực, pháp lực khiến cho kết quả là chưa rõ ràng,” ông Cung nói.

Tỷ giá tăng giúp hàng hóa thêm cạnh tranh

Trong quý 2, trên thị trường tỷ giá có nhiều biến động. Phân tích từ Báo cáo, việc điều chỉnh tăng tỷ giá là cần thiết, song không đủ để ổn định thị trường, do đó Ngân hàng Nhà nước phải bán ra khoảng 200 triệu USD để tăng cung. Một số nguyên nhân khác cũng tạo ra áp lực tăng tỷ giá, như thâm hụt thương mại lớn (3,07 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm) cộng với những sự kỳ vọng về tăng tỷ giá (từ rủi ro lãi suất ở Mỹ hay những đề xuất vay từ dữ trữ ngoại hối cho đầu tư…).

Nhưng về cuối tháng Năm, sau khi Ngân hàng Nhà nước có một loạt động thái về điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD, thị trường đã dần ổn định. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Báo cáo, việc tỷ giá tăng lên, lạm phát ở mức thấp đã giúp cho hàng h​óa của Việt Nam phần nào tăng tính cạnh tranh.

Ngoài ra, Báo cáo cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm dư địa điều hành tỷ giá còn rất nhiều.

“Từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Có hai lý do, một là Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định về tuyên bố này và hơn nữa Việt nam hiện có khả năng, nguồn lực để giữ ổn định như thế. Xu hướng ngắn hạn nền kinh tế vĩ mô có dấu hiệu ổn định, song về dài hạn các chính sách điều hành mà cụ thể về tỷ giá, tiền tệ cần có sự thay đổi.” ông Cung nói.

Bình luận về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô (CIEM) đưa ra một số ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn​: “Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đang cao nhất kể từ năm 2012, khiến Thống đốc tự tin trong điều hành tỷ giá. Nhưng có những quan điểm, ổn định kinh tế vĩ mô không phải tập trung vào ổn định tỷ giá, mà nên tập trung ổn định lạm phát và nên thả nổi tỷ giá hối đoái thì tốt hơn. Có quan điểm khác lại cho rằng, nếu thả nổi, số nợ nước ngoài sẽ bị tăng cao. Trong khi có ý kiến ngược lại, nếu tiếp tục ổn định tỷ giá sẽ tạo ra nhu cầu vay đi vay cao hơn.”

"Khu vực mong manh của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng" ảnh 3

"Đó là nghịch lý"

Đánh giá chung từ các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo, tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua chủ yếu là do đầu tư. Tăng năng suất lao động có được từ chuyển đổi cơ cấu chứ chưa phải là sự chuyển biến trong nội ngành (như chuyển từ cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp thì năng suất lao động tăng lên, chứ không phải là do kỹ năng, do áp dụng áp dụng khoa học công nghệ). Ông Tú Anh phân tích, tăng năng suất lao động nội ngành hiện rất thấp, giai đoạn cuối những năm 90 đến năm 2000, tăng năng suất lao động chủ yếu do nội ngành, nhưng từ năm 2000 trở lại đây chủ yếu là thay đổi cơ cấu. Trong khi về dài hạn​, năng suất lao động là hiệu quả phân bố nguồn lực.

Chuyên gia này cho rằng thời gian qua, vốn đổ rất nhiều vào những ngành có năng suất thấp như ngân hàng, tài chính bất động sản, cũng như đổ vào những doanh nghiệp lớn nhiều nhưng hiệu quả kinh doanh lại thấp.

“Đó là nghịch lý. Đáng lẽ vốn phải được phân bố từ nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả cao hơn, thì ở Việt Nam dường như đang ngược lại,” ông Tú Anh nói.

Đóng góp ý kiến cho Báo cáo, tiến sỹ Lưu Bích Hồ cho biết, ông trăn trở nhiều về việc làm thế nào để chấm dứt tình trạng, huy động vốn đáng nhẽ phải theo thị trường nhưng lại đang được phân bổ theo hành chính. Ông Hồ nhấn mạnh, điều này xảy ra không phải chỉ ở khu vực công mà cả khu vực tư nhân. Cái gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” đang hoành hành và chủ yếu là tại nhóm các doanh nghiệp lớn, chứ các doanh nghiệp nhỏ không làm được việc này.

"Khu vực mong manh của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng" ảnh 4Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tiến sỹ Lê Đình Ân mặc dù đồng tình với các quan điểm đưa ra trong Báo cáo, song ông cũng chia sẻ nỗi lo của mình, “kinh tế sáu tháng đặt ra những vấn đề về nợ xấu, nợ công và chính sách tiền tệ. Đáng suy nghĩ, khu vực mong manh của nền kinh tế hiện nay lại là hệ thống ngân hàng, huy động không tăng lớn, nhưng lãi suất cho vay không hạ được là do tài chính của các ngân hàng thương mại đang rất khó khăn. Mô hình tăng trưởng đã quá lạc hậu, mà hiện chưa làm được gì nhiều.”

Cuối cùng, thay mặt nhóm nghiên cứu Báo cáo, Viện trưởng CIEM dự một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong quý 3 năm 2015, tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm 2014 có thể đạt khoảng 6,42%, lạm phát tăng khoảng 0,92% (so với quý 1), tăng trưởng xuất khẩu đạt 10,6% (so với cùng kỳ năm 2014) và cán cân thương mại thâm hụt khoảng 0,8 tỷ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục