Khủng hoảng Hy Lạp - Bài học cho hội nhập kinh tế ASEAN

Khủng hoảng Hy Lạp - Bài học cho tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN

Từ bài học Hy Lạp, các nước ASEAN cần phải có một sự tương quan tích cực về hội nhập tiền tệ khu vực và các lĩnh vực khác để giảm những ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tiền tệ.
Khủng hoảng Hy Lạp - Bài học cho tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN ảnh 1Ông Arisman, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những ảnh hưởng và hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp xảy ra trong bối cảnh ASEAN đang tiến những bước cuối cùng đến việc hình thành cộng đồng, trong đó có Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Tình hình này đòi hỏi ASEAN đặt ra những bước đi thận trọng hơn cho quá trình hội nhập kinh tế. Ông Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp đang đặt ra những thách thức không chỉ riêng đối với quốc gia này mà còn với cả Liên minh châu Âu (EU), theo ông thì điều này sẽ tác động tới tiến trình hội nhập kinh tế khu vực của ASEAN như thế nào?


Ông Arisman:
Như chúng ta biết, tình hình khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện nay, nhất là khủng hoảng Hy Lạp rất quan trọng đối với ASEAN. Có nhiều bài học kinh nghiệm có thể nhận thấy từ khu vực này bởi EU hội nhập kinh tế sâu hơn nhưng vẫn không thể giải quyết được những vấn đề đang gặp phải. Trong khi đó, ASEAN đang bước vào thời điểm cuối năm 2015, cột mốc đánh dấu sự ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Vì vậy, chúng ta phải tự chuẩn bị bằng những bài học rút ra từ những gì đang diễn ra ở châu Âu.

Theo quan điểm của tôi, hội nhập kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà sản xuất khu vực và cho hội nhập tiền tệ,… Tuy nhiên vấn đề không dễ dàng đối với các nước ASEAN vì trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên rất đa dạng, có thể nói là không đồng đều từ Singapore, Thái Lan, Indonesia cho đến Việt Nam, Lào, Campuchia. Vì vậy, cần phải có một sự tương quan tích cực về hội nhập tiền tệ khu vực và các lĩnh vực khác để giảm những ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tiền tệ. Quá trình hội nhập tiền tệ và bắt đầu thị trường tiền tệ thì điều quan trọng trước tiên là phải chuẩn bị các điều kiện cơ sở hạ tầng cho thị trường tài chính.

- Sự kiện này có phải là một lời cảnh báo nghiêm túc cho ASEAN và khu vực Đông Á trong thời điểm Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng kinh tế (AEC), sẽ hình thành vào cuối năm nay, đặc biệt là trong xử lý vấn đề tiền tệ?

Ông Arisman: Như tôi đã đề cập, ASEAN sẽ hình thành Cộng đồng, trong đó có Cộng đồng kinh tế EAC, vào cuối năm nay. Và bắt đầu quá trình hội nhập khu vực khi chúng ta trở thành một thực thể như chúng ta vẫn mong đợi. Những gì đang xảy ra đối với EU, những vấn đề liên quan đến thất bại trong lĩnh vực quản lý tiền tệ, tài chính như một lời nhắc nhở cho ASEAN và khu vực Đông Á khi mà ý tưởng về một đồng tiền chung cũng đã được đặt ra.

Chúng ta thấy, trong cuộc khủng hoảng tài chính, rõ ràng liên minh tiền tệ và đồng tiền chung không hẳn là một cứu cánh bắt buộc phải bảo vệ quốc gia thành viên và sự an toàn tiền tệ ở mỗi quốc gia trước tiên là phải dựa trên năng lực của chính nước đó. Điều này nếu đặt vào bối cảnh ASEAN hiện nay thì có thể thấy khoảng cách phát triển giữa các nước vẫn còn rất lớn ảnh hưởng đến quá trình hội nhập và khả năng đối phó với các tình huống xấu.

Khủng hoảng tài chính hiện nay ở Hy Lạp đã không chỉ ảnh hưởng đến nước này mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực châu Âu với các mối quan hệ song phương đan xen và nhiều phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, cuộc khủng hoảng tài chính, cho dù đến từ sự bất ổn toàn cầu hoặc khu vực, phải được quản lý thông qua hợp tác khu vực và nỗ lực của từng nước , trong đó mỗi thành viên cũng cần xem xét sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cả khu vực.


- Bài học Hy Lạp có ý nghĩa như thế nào đối với Indonesia nói riêng và với ASEAN nói chung?

Ông Arisman: Chúng tôi đã từng có kinh nghiệm và bài học đau xót trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997 cũng như khủng hoảng tại một số nước ASEAN khác, đặc biệt khi chúng tôi phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế như IMF hay WB. Và quá trình phục hồi diễn ra rất lâu, không hề dễ dàng nên đối với Indonesia những gì đang xảy ra tại châu Âu, cũng như đã xảy ra tại Indonesia trước đó là tiếng chuông cảnh tỉnh, là sự cảnh báo.

Tôi nghĩ rằng, tình trạng kinh tế hiện nay vẫn đang tốt nhưng Indonesia vẫn cần phải chuẩn bị một số hành động chiến lược ngắn hạn để ngăn chặn những tác động bên ngoài từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp và sự bất ổn định của đồng euro. Ngoài ra, Indonesia cần thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, nghiêm túc quản lý mức lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái…

Đối với ASEAN, điều đáng nói là, các quốc gia ASEAN thì nên xây dựng nền kinh tế cơ bản mạnh mẽ và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu của người dân, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay nước ngoài. Đây là những vấn đề tương lai sắp tới của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong quá trình chuyển đổi ASEAN từ giai đoạn hội nhập cơ bản đến hội nhập tiền tệ.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục