Khủng hoảng Hy Lạp cản trở tiến trình gia nhập Eurozone của Romania

Các nhà phân tích nhận định Romania sẽ không thể tham gia vào khu vực đồng tiền chung này vào đầu năm 2019 như kế hoạch do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp.
Khủng hoảng Hy Lạp cản trở tiến trình gia nhập Eurozone của Romania ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Romania sẽ phải trì hoãn hơn nữa kế hoạch gia nhập Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) do cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp.

Các nhà phân tích nhận định Romania sẽ không thể tham gia vào khu vực đồng tiền chung này vào đầu năm 2019 như kế hoạch.

Theo nhà kinh tế Claudia Medrega, EU có thể trở nên khó khăn hơn nhiều với các nước muốn tham gia Eurozone. Cuộc khủng hoảng nợ ở Athens là phép thử cho sự vững chắc của đồng tiền chung.

Còn nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Quốc gia Romania (BNR), Valentin Lazea, nhận định sự hội tụ thực sự là thách thức lớn nhất mà Romania phải thực hiện trước khi nước này có thể gia nhập Eurozone.

Mặc dù có những tiến bộ được ghi nhận, song Romania vẫn còn là nước nghèo nên với với các điều khoản hiện hành, việc tham gia Eurozone vào năm 2019 là một mục tiêu không thể.

Hồi tháng 5/2014, Bộ trưởng Ngân sách Romania Liviu Voinea thông báo Romania đặt mục tiêu gia nhập Eurozone vào ngày 1/1/2019, sau khi bỏ lỡ mục tiêu trước đó vào năm 2015.

Một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về hội nhập Eurozone được công bố tháng trước cho thấy Romania và một số quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Bulgaria, chưa sẵn sàng để tham gia đồng tiền chung. Môi trường kinh doanh của các nước này vẫn kém hơn so với hầu hết các nước thành viên Eurozone.

Romania đã giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP - một trong những điều kiện quan trọng cho việc gia nhập Eurozone. Tuy nhiên, lạm phát trong những năm gần đây đều ở trên mức cho phép 1% và có khả năng vẫn ở trên mức đó trong những năm tới.

Theo quy định chung, nước muốn gia nhập Eurozone phải có nợ công không cao hơn 60% GDP, thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP, lạm phát, lãi suất thấp và đồng nội tệ phải được giữ ổn định so với đồng euro.

EC đánh giá sự tuân thủ đó hai năm một lần thông qua báo cáo về khả năng hội nhập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục