Khủng hoảng tại Hy Lạp đe dọa đến triển vọng kinh tế Đức

Công ty nghiên cứu thị trường GfK vừa công bố báo cáo khảo sát cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng của Đức bắt đầu có chiều hướng giảm nhẹ do những bất ổn xung quanh vấn đề Hy Lạp.
Khủng hoảng tại Hy Lạp đe dọa đến triển vọng kinh tế Đức ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cnn)

Công ty nghiên cứu thị trường GfK vừa công bố báo cáo khảo sát cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng của Đức bắt đầu có chiều hướng giảm nhẹ do những bất ổn xung quanh vấn đề Hy Lạp.

GfK nhấn mạnh những nỗ lực bất thành của các bên liên quan nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và ngăn chặn kịch bản vỡ nợ của nước này đã khiến giới tiêu dùng Đức có cái nhìn thiếu lạc quan về triển vọng kinh tế nước này. Điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ hạn chế "mở hầu bao" hơn, dù cho thu nhập hộ gia đình tại Đức được dự đoán sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ khi tái thống nhất đất nước vào năm 1990.

GfK nhận định chỉ số niềm tin của các hộ gia đình tại Đức sẽ giảm nhẹ xuống 10,1 điểm trong tháng 7/2015, từ mức tương ứng 10,2 điểm của tháng Sáu.

Báo cáo nêu rõ: "Bất chấp sự sụt giảm nhẹ, hoạt động tiêu dùng cá nhân tại Đức vẫn đóng vai trò chủ lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy hoạt động tiêu dùng tại Đức dễ bị tổn thương bởi các nhân tố từ bên ngoài."

Theo GfK, nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang ngày càng trở nên khó khăn và khả năng Xứ sở các vị Thần buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dường như đang tiến gần hơn. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng nền kinh tế đầu tàu này của châu Âu cũng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

Bên cạnh chỉ số niềm tin tiêu dùng, một vài số liệu đáng thất vọng mới đây cũng kéo thêm "mây đen" vào bầu trời kinh tế Đức. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn chưa bị đe dọa, giữa bối cảnh đồng euro yếu và giá dầu thế giới sụt giảm giúp các nhà xuất khẩu nước này được hưởng lợi. Trong khi đó, thị trường lao động được cải thiện và lương cơ bản tăng cũng giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa của Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục