Khủng hoảng tổng tuyển cử tại Thái Lan chưa vãn hồi

Cuộc khủng hoảng tại Thái Lan giờ đã được đẩy tới một giai đoạn mới xung quanh việc có tổ chức cuộc tổng tuyển cử đúng thời hạn hay không.

Cuộc khủng hoảng tại Thái Lan giờ đây đã được đẩy tới một giai đoạn mới xung quanh việc có tổ chức cuộc tổng tuyển cử đúng thời hạn ngày 2/2/2014 hay không.

Ủy ban bầu cử Thái Lan đã lên kế hoạch đăng ký ứng cử viên theo danh sách đảng từ 23-27/12 và ứng cử viên theo khu vực bầu cử từ 28/12/2013-1/1/2014.

Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố rằng sẽ kêu gọi một cuộc biểu tình lớn nữa vào 22/12 nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức.

Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp lại việc bà Yingluck khẳng định lại rằng bà đang thực hiện đúng nhiệm vụ thủ tướng tạm quyền được hiến pháp quy định.

Theo ông Suthep, những người biểu tình sẽ theo đuổi bà Yingluck ở mọi lúc, mọi nơi và cho tới cùng để buộc bà phải từ bỏ mọi vị trí ở Thái Lan. Người biểu tình sẽ không từ bỏ mục tiêu của mình cho tới khi giành được chiến thắng.

Tuyên bố trên của ông Suthep cũng nhằm mục tiêu ngăn cản cuộc bầu cử để phong trào biểu tình có thể thực hiện mục tiêu cải cách chính trị trước. Nhưng nó sẽ đi ngược lại kế hoạch thực hiện tiến trình cải cách theo đúng luật pháp của Chính phủ Thái Lan.

Trong một cuộc gặp Ủy ban bầu cử gần đây, các thủ lĩnh biểu tình đã được giải thích rằng để trì hoãn một cuộc tổng tuyển cử phải thỏa mãn hai điều kiện là các đảng phái chính trị phải đạt được thỏa thuận và quyết định trì hoãn có được luật pháp cho phép hay không.

Các ủy viên bầu cử nói thêm rằng trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, chính phủ có thể ra một sắc lệnh hoãn bầu cử. Việc trì hoãn này sau đó cần phải được Ủy ban bầu cử thông qua.

Các ủy viên bầu cử khuyên người biểu tình nên góp phần vận động để có được một cuộc bầu cử công bằng thay cho việc muốn làm trì hoãn nó.

Một số lý do khác có thể trì hoãn được cuộc bầu cử được pháp luật thừa nhận là phiếu bầu bị mất hoặc rách nát; chỉ có một ứng cử viên được bầu tại một khu vực bầu cử và nhận được ít hơn 20% tổng số phiếu bầu; khu vực bầu cử không có ứng cử viên; số lượng nghị sỹ thấp hơn 95% trong tổng số 500 nghị sỹ, số lượng bắt buộc để triệu tập cuộc họp Hạ viện.

Đảng Vì Thái Lan dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc bầu cử khi họ tuyên bố mục tiêu giành thắng lợi áp đảo. Đảng này sẽ có hơn 500 ứng cử viên đang ký theo danh sách đảng và hơn 400 ứng cử viên đăng ký tại các khu vực bầu cử.

Đảng Dân chủ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia cuộc bầu cử hay không. Đảng này hiện đang phải đối mặt với những khó khăn bởi nếu không tham gia uy tín của họ sẽ giảm sút và các ứng cử viên tiềm năng có thể sẽ rời bỏ đảng. Tuy nhiên, nếu tham gia thì khả năng chiến thắng của họ là rất mong manh.

Trong một tuyên bố đầu tiên về cuộc bầu cử kể từ khi được bầu lại làm chủ tịch, ông Abhisit Vejjajiva cho biết cuộc tổng tuyển cử nên được hoãn lại bởi bầu không khí hiện nay không có lợi và người dân đang nghi ngờ về khả năng lợi dụng quyền lực của chính phủ.

Tính hợp pháp của cuộc bầu cử không phải là liệu đảng Dân chủ có tham gia hay không mà là liệu người dân có tẩy chay nó hay không. Chính phủ tạm quyền nên thảo luận với Ủy ban bầu cử để tìm cách hoãn cuộc bầu cử sắp tới một cách hợp pháp.

Tình hình hiện nay khác xa so với cuộc tổng tuyển cử 2006, khi đó đảng Dân chủ đã thuyết phục được các đảng liên minh tẩy chay bầu cử và chỉ còn để lại một mình đảng Người Thái yêu người Thái tranh cử.

Trong cuộc đua lần này, kể cả đảng Dân chủ có tẩy chay, thì cũng có rất ít tác động bởi tất các đảng nhỏ liên minh đều đăng ký tham gia. Như vậy, đảng Dân chủ sẽ chẳng được gì ngoài việc mất ghế trong quốc hội.

Trong cuộc bầu cử 2011, những người dân chủ đã giành được 50 ghế ở miền Nam, 26 ghế ở miền Trung và phía Đông, 13 ghế ở miền Bắc, 4 ghế ở Đông Bắc và 24 ghế ở Bangkok. Nếu lần này họ tẩy chay bầu cử nó sẽ có tác động xấu tới đảng về mặt lâu dài.

Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan đã đưa ra tuyên bố mới nhất, trong đó nói rằng quân đội ủng hộ cuộc tổng tuyển cử và sẵn sàng triển khai quân để giúp giám sát bầu cử nếu được yêu cầu.

Ông này nói rằng quân đội là một trong những cơ chế của chính quyền và cần ủng hộ những hoạt động của đất nước trong khuôn khổ hiến pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục