Kiềm chế lạm phát bằng những hành động cụ thể

Sau 20 ngày triển khai, bước đầu Nghị quyết 11 đã có hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Sáng 15/3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ họp, nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội (Nghị quyết 11).

Nghị quyết 11 được quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đều cho rằng quán triệt Nghị quyết 11, các Bộ, cơ quan và địa phương đã tập trung chỉ đạo, tích cực xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được những kết quả tích cực.

Sau 20 ngày triển khai, bước đầu Nghị quyết 11 đã có hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế và được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra; sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển ổn định; các hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh; đời sống nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình người có công được quan tâm… an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

Nổi bật là tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1 ước đạt 18,8 tỷ USD, tăng khoảng 29,7% so với cùng kỳ năm 2010, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Thị trường tiền tệ tương đối ổn định, trong đó dư nợ tín dụng tăng 3,41%, lãi suất huy động VND bình quân ở mức 13,04%/năm...

Theo ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ, sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố những biện pháp về lãi suất, tỷ giá, kinh doanh vàng; trên thị trường, tỷ giá và giá vàng đã có xu hướng ổn định hơn, có thời điểm giảm so với trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những khó khăn trong quý 1 như tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định, mặt bằng lãi suất tín dụng ở mức cao, giá cả tiếp tục biến động… làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trên tinh thần này, các thành viên Chính phủ kiến nghị, các Bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng ban hành và triển khai có hiệu quả chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 11; chủ động xử lý theo thầm quyền những vấn đề phát sinh, hoặc kịp thời báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xử lý nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Làm tốt công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết 11 bằng những hành động cụ thể

Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần triển khai Nghị quyết 11 rất tích cực, khẩn trương, nghiêm túc của các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời hoan nghênh các cơ quan thông tấn báo chí đã chủ động vào cuộc, tuyên truyền, phân tích, phổ biến sâu rộng về về Nghị quyết 11, qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội trong việc thực hiện Nghị quyết.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết 11 được dư luận xã hội đánh giá ban hành kịp thời, đúng, trúng và hết sức cần thiết. Sau 1 thời gian ngắn triển khai Nghị quyết, vấn đề về tỷ giá, giá vàng, thị trường vàng dần đi vào ổn định, đây là một tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11, vấn đề nổi lên là việc quản lý ngoại tệ, vàng như vậy có đáp ứng được nhu cầu cần thiết yếu của người dân, doanh nghiệp hay không, đây là vấn đề chúng ta cần tiếp tục quan tâm xem xét để đảm bảo thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 11 đề ra, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh trong quý 1 và thời gian tới tình hình thế giới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải hết sức cố gắng khắc phục những khó khăn, thách thức, phát huy những lợi thế để tiếp tục đưa đất nước phát triển. Trên tinh thần này, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ bằng những kế hoạch, hành động cụ thể với những con số báo cáo cụ thể.

Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chống đô la hóa, vàng hóa. Quản lý chặt chẽ thị trường vàng, ngoại hối và thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh ngoại tệ trái pháp luật. Đi liền với đó là đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ để bán cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu hợp lý, đồng thời đảm bảo đủ nguồn cung ngoại tệ đối với việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu, nhất là trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm thế giới đang tăng cao, phải tận dụng triệt để lợi thế của Việt Nam trong việc thực hiện mục các tiêu phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương cương quyết cắt giảm đầu tư công, dừng những khoản chi chưa cần thiết và thực hiện tiết kiệm điện như điện quảng cáo, điện đường… Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt kiểm soát giá cả. Nếu cần thiết lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm soát giá cả, kiểm soát việc mua bán ngoại tệ; thị trường vàng; không để đầu cơ tăng giá, không để thiếu hàng nhất là những hàng hóa thiết yếu, Thủ tướng nêu rõ.

Trong điều kiện khó khăn vẫn phải bảm đảm được an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các Bộ, ngành và địa phương cần hết sức quan tâm tới công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó tập trung vào tuyên truyền về chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá, thị trường vàng… để người dân hiểu rõ, hiểu đúng; tránh sự phân tâm và suy diễn…/.

Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục