Kiểm soát chặt việc nhập khẩu tàu biển đã sử dụng để phá dỡ

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, vấn đề về môi trường là quan trọng nhất, mấu chốt nhất để cho phép nhập khẩu tàu biển cũ đã qua sử dụng về phá dỡ.
Kiểm soát chặt việc nhập khẩu tàu biển đã sử dụng để phá dỡ ảnh 1Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xã hội hóa các công trình trong hàng hải, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường khi phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng là những vấn đề được các Đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công đã dành cho báo chí cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề này.


- Thưa Thứ trưởng, Đề án Luật hàng hải sửa đổi có quy định cụ thể về các cơ sở phá dỡ tàu cũ. Điều này có gì đổi mới hơn so với các quy định trước đây để bảo vệ môi trường khi phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Thực ra, vấn đề phá dỡ tàu biển trong Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định và Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm triển khai. Trong khi đó, dự thảo Nghị định về phá dỡ tàu biển trình Chính phủ đã được phê duyệt.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các Thông tư liên quan về trình tự thủ tục cấp phép cho các cơ sở tham gia nhập khẩu, phá dỡ tàu biển. Trong đó, chúng tôi luôn khẳng định vấn đề về môi trường là quan trọng nhất, mấu chốt nhất của việc cho phép nhập khẩu tàu biển cũ đã qua sử dụng để phá dỡ.

Tôi khẳng định, trong dự thảo Thông tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa ra các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ về mặt môi trường và các tổ chức cá nhân muốn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện đưa ra.

Kiểm soát chặt việc nhập khẩu tàu biển đã sử dụng để phá dỡ ảnh 2Việc xây dựng luật hàng hải sẽ bảo đảm vừa quản lý chặt chẽ về nhà nước, vừa tạo điều kiện tốt nhất cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. (Nguồn: TTXVN)

- Qua thảo luận tại Quốc hội, có những ý kiến cho rằng chúng ta chỉ nên cho phép phá dỡ tàu cũ trong nước và không nên nhập khẩu tàu cũ để phá vì sợ ảnh hưởng tới môi trường. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Hiện nay, việc phá dỡ các tàu trong nước vẫn diễn ra, tuy nhiên tôi khẳng định chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định trình tự, thủ tục đặc biệt về vấn đề đảm bảo môi trường trong phá dỡ tàu biển.

Bởi vậy, chúng tôi đã đề xuất xây dựng Nghị định quy định trình tự thủ tục cũng như các điều kiện để các doanh nghiệp được tham gia phá dỡ tàu biển.

Thế nhưng, đưa ra các các quy định rồi yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng và chỉ có phá dỡ một số rất ít tàu biển trong nước thì không doanh nghiệp nào dám đầu tư công nghệ, máy móc cả. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phá dỡ thiếu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước dẫn đến ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.

Do đó, chúng tôi đã đề xuất quan điểm và được chấp nhận là cho phép nhập khẩu tàu biển qua sử dụng về và phá dỡ, qua đó chúng ta có nguồn nguyên liệu cho các nhà máy thép, giải quyết khối lượng lớn việc làm mà mang lại lợi nhuận khá cao.

Đúng là việc phá dỡ tàu biển có vấn đề môi trường, nhưng chúng ta có thể khắc phục được bằng cách đưa ra các quy định chặt chẽ. Hơn nữa, công nghệ của thế giới giờ đây có thể đảm bảo giữ được môi trường an toàn và kiểm soát được việc phá dỡ tàu biển.

- Hiện nay, chủ trương xã hội hóa, thu hút đầu tư vào các cảng biển đang được thúc đẩy. Xin Thứ trưởng cho biết sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Trong năm lĩnh vực của ngành giao thông thì lĩnh vực hàng hải có mức độ xã hội hóa cao nhất. Ví dụ như cảng biển, trang thiết bị, kho tàng, bến bãi… hiện nay hầu hết do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư khai thác.

Hiện nay, nhà nước chỉ đầu tư về luồng hàng hải, một số đê biển, công trình hạ tầng công cộng về hàng hải. Tuy nhiên, theo chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, kể cả những thứ hiện nay theo quy định của pháp luật là nhà nước đang đầu tư, Bộ cũng khuyến khích thu hút các nguồn lực của tổ chức, cá nhân đầu tư để khai thác, hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước.

Điều này có nghĩa là những gì tư nhân tham gia được, chúng tôi sẽ dành cho tư nhân và xây dựng những cơ chế chính sách để đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của nhà đầu tư, nhà nước

- Luật hàng hải sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện cho việc xã hội hóa này như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Việc xây dựng luật hàng hải lần này sẽ bảo đảm vừa quản lý chặt chẽ về nhà nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng, khai thác để mang lại lợi ích chung cho xã hội, kinh tế đất nước.

- Xin Thứ trưởng cho biết tới thời điểm này, việc xã hội hóa của ngành giao thông được xây dựng đến đâu?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo xây dựng đề án xã hội hóa của tất cả ngành giao thông vận tải nói chung và từng lĩnh vực như đường bộ, hàng hải… Cụ thể về hàng hải đã xây dựng và trình Bộ trưởng Đề án xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục