"Kiểm toán Nhà nước cần kiểm tra công trình đầu tư xây dựng BOT"

Định hướng của ngành kiểm toán trong năm 2017 và các năm tiếp theo sẽ là tăng thêm nhiều cuộc kiểm toán dự án BOT chú trọng tập trung vào những vấn đề gây bức xúc trong công chúng.
"Kiểm toán Nhà nước cần kiểm tra công trình đầu tư xây dựng BOT" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Quy định hiện tại về khung lợi nhuận cho nhà đầu tư các dự án BOT chưa có khiến các mức lợi nhuận dự án chỗ được 12%, có nơi lại lên tới 14-15%. Việc thỏa thuận lợi nhuận này, theo đại diện Kiểm toán Nhà nước có khi là "ân huệ" và dễ dẫn tới tùy tiện.

"Ai dám chắc các dự án tương tự là chuẩn"

Đưa ra những nhận xét này trong hội thảo: "Những vấn đề đặt ra với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" tổ chức sáng 15/9, ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV khẳng định, việc xác định lợi nhuận nhà đầu tư chủ yếu vẫn qua thương thảo. Ngoài ra, mức lợi nhuận theo quy định cũng có thể tham khảo các "dự án tương tự."

Tuy nhiên, ông Quý đặt ra vấn đề "ai dám chắc các dự án tương tự là chuẩn."

Vì thế, việc dành cho nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước "ân huệ" thỏa thuận theo ông dễ dẫn tới sự "tùy tiện." Thực tế, ông khẳng định, có dự án BOT được hưởng lợi nhuận là 12% nhưng có nơi lại 14-15%.

Ông kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước phải có khung lợi nhuận của nhà đầu tư từng vùng miền, từng lĩnh vực đầu tư.

"Mỗi nơi chỉ số giá, trượt giá khác nhau, mức phát triển kinh tế cũng khác nên nên lợi nhuận mỗi nơi cũng cần khác biệt," đại diện Kiểm toán Nhà nước lên tiếng.

Thiếu sót trong kiểm soát lưu lượng phương tiện cũng được ông Quý chỉ ra. Theo ông, hiện chưa có hướng dẫn thống nhất ngay từ khâu dự đoán lượng phương tiện.

"Có nhà tư vấn chỉ đếm xe 2 ngày để lấy đại diện cho 365 ngày. Trong khi ấy, ví dụ ở Tây Nguyên, mùa mưa thì lưu lượng xe qua lại khác, mùa khô lại khác, mùa càphê cũng có lượng xe khác với những mùa khác. Độ chính xác như vậy là kém," ông Ngô Văn Quý nhận xét.

Nhắc lại kết quả kiểm tra tại tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ cho thấy mức thu thực tế cao hơn cả trăm triệu đồng mỗi ngày so với báo cáo, đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra thực tế: "Hiện chưa có cơ chế nào kiểm soát lưu lượng phương tiện."

Cũng về các dự án BOT, vấn đề chỉ định thầu cũng được ông Quý thẳng thắn nêu lên với trường hợp một số quốc lộ thời gian gần đây đều với lý do "nhu cầu cấp bách."

Theo ông, không thể "vin" vào lý do thời gian đấu thầu lâu mà chọn phương án chỉ định nhà đầu tư. "Nhà nước nên bỏ ngân sách chịu trách nhiệm phần chuẩn bị đầu tư, sau khi dự án được phê duyệt rồi chính thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư," ông Quý nói

Cũng về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đặt vấn đề về "nhóm lợi ích," từ nhà đầu tư, đơn vị lập dự án hay cả người phê duyệt. Theo ông, Kiểm toán Nhà nước sau khi có kết luận phải đề xuất Quốc hội xử lý triệt để người chịu trách nhiệm, tránh tình trạng một chủ trương đầu tư đúng đắn của Đảng, Nhà nước trở nên méo mó.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói về vấn đề chỉ định thầu các dự án BOT.

Kiểm toán có được "sờ" vào các dự án BOT?

Với không ít bất cập như trên nhưng nhiều ý kiến trước đó đặt ra là: Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán với các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT không, bởi khi chưa chuyển giao cho Nhà nước, các công trình này không phải sở hữu Nhà nước.

Không đồng tình với ý kiến này, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính thẳng thắn, nhận thức như vậy là hoàn toàn không đúng bởi về bản chất, các công trình này là Nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư để tư nhân bỏ vốn xây dựng công trình của Nhà nước.

Theo ông, sau khi đầu tư xong, nhà đầu tư được quyền thu phí đối với những đối tượng sử dụng công trình đó trong một thời gian nhất định. Hết quãng thời gian này, nhà đầu tư bàn giao công trình để Nhà nước quản lý sử dụng.

"Như vậy, trong quãng thời gian thu phí, nhà đầu tư chỉ được quyền quản lý công trình đó chứ không phải có quyền sở hữu công trình đó. Với tư cách là tài sản của Nhà nước thì công trình đầu tư xây dựng theo hình thức BOT phải chịu sự kiểm tra của Kiểm toán nhà nước," ông Trường nêu lên.

Ngoài ra, theo ông, việc kiểm tra quyết toán công trình BOT cũng liên quan mật thiết đến việc xác định mức thu và thời gian thu phí, tức là liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước. Do đó, công trình đầu tư xây dựng theo hình thức BOT cần được kiểm tra bởi Kiểm toán nhà nước.

Cũng góp ý về vấn đề này nhưng ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không nên đi quá sâu về mặt kết cấu, kỹ thuật mà phải tập trung vào tuân thủ pháp luật, trình tự xây dựng, định mức dự toán, quyết toán.

Đồng tình, ông Lưu Trường Kháng, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu ý kiến, cơ quan chức năng nên tập trung vào doanh thu có thể hiệu quả hơn việc giảm trừ khối lượng, đơn giá khi thi công dự án.

Cũng nhắc về dự án Pháp Vân-Cầu Giẽ, ông khẳng định, nếu những thông tin trên báo chí gần đây là đúng, thì mức chênh lệch tới vài trăm triệu đồng mỗi ngày, ngân sách mỗi năm có thể tăng thu hơn 100 tỷ đồng chỉ với riêng dự án đó.

Ông cũng cho hay, định hướng của ngành kiểm toán trong năm 2017 và các năm tiếp theo sẽ là tăng thêm nhiều số cuộc kiểm toán dự án BOT chú trọng tập trung vào những vấn đề đang gây bức xúc trong công chúng như: mức thu phí qua các trạm BOT, khoảng cách tối thiểu trong bố trí trạm, vị trí các trạm thu phí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục