Kiều bào xúc động ngày trở về với “Xuân Quê hương”

Những cái nắm tay thật chặt và niềm vui lan tỏa từ ánh mắt đến tiếng cười, giọng nói của bà con kiều bào khi về dự "Xuân Quê hương."
Trong không khí ấm áp, hân hoan chào đón xuân mới, 1.000 bà con kiều bào ở khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cùng nhau tề tựu về Thủ đô ngàn năm văn hiến để tham gia chương trình Tết “Xuân Quê hương.”

Những gương mặt xa quê nay được trở về như bừng sáng dưới nắng vàng Hà Nội, rạng người niềm hạnh phúc và xúc động trước những đổi mới của quê hương. Những cái nắm tay thật chặt của biết bao người con đất Việt rưng rưng chia sẻ khoảnh khắc thiêng liêng khi cả nước sắp bước sang năm mới hứa hẹn nhiều vận hội mới.

Có gặp rồi mới thấy, niềm vui lan tỏa từ ánh mắt đến tiếng cười, giọng nói của bà con kiều bào. Ngay cả việc được đứng giữa Thủ đô, được nói tiếng mẹ đẻ với đồng bào của mình thôi cũng đủ khiến bao người con “lưu lạc” không khỏi bồi hồi, cảm động.

Không chỉ có những niềm vui mà họ còn nặng lòng trăn trở với những giá trị truyền thống đang ngày càng mai một trong các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nơi xa…

{Kiều bào và chuyện hàng chục tỷ USD chất xám lưu lạc}


Thế hệ trẻ bối rối nguồn gốc...

Với mái tóc bạc trắng đã thưa thớt và vóc dáng nhỏ nhắn, cụ Lê Văn Duyên (83 tuổi), Việt kiều Mỹ đã 38 năm định cư xa quê cho biết, hầu như năm nào cụ cũng về Việt Nam ăn Tết. Mỗi lần như vậy, “tôi được trở về quê hương ôn lại những kỷ niệm nơi quê nhà, sống trong bầu không khí ấm cúng khi gặp người thân trong gia đình, dòng họ,” cụ Duyên chia sẻ.

Đã đi gần hết chặng đường của đời người rồi nhưng cụ Duyên vẫn đau đáu việc giữ gìn nếp nghĩ, nếp sống thuần Việt cho các thế hệ con, cháu mình sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Theo cụ, quan trọng nhất là phải để con, cháu hiểu biết về dân tộc mình và phải luôn ý thức mình là người Việt Nam để tự hào.

“Truyền dạy văn hóa và tiếng Việt ở nước ngoài căn bản nhất phải là sự giáo huấn từ các sinh hoạt hàng ngày như: chơi, kể chuyện... cho con cháu hiểu về dân tộc mình, về những cuộc kháng chiến chống xâm lăng từ xa xưa cũng như cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc Việt Nam để đi đến hòa bình đi ngày nay,” cụ Duyên nói.

Trong khi đó, ít có điều kiện về Việt Nam hơn, Phó Chủ tịch Câu lạc bô Những người trí thức Lê Quý Đôn tại Ba Lan ông Đào Duy Tiến cho hay, ở Ba Lan Tết Việt Nam hầu như không có được không khí Tết như ở quê nhà. Là bởi Tết Việt thường rơi vào những ngày làm việc bên đó.

Tuy nhiên, ông Tiến và nhiều gia đình vẫn tranh thủ gói bánh chưng, cúng ông bà tổ tiên lúc Giao thừa, gọi điện về Việt Nam chúc Tết… với mong muốn giữ chút ít hương vị Tết truyền thống.

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan hình thành bắt nguồn từ đội ngũ trí thức Việt sang học xong rồi ở lại, sau đó đưa người nhà qua làm ăn buôn bán, đến nay có khoảng 30.000 người và vẫn cố gắng giữ gìn các phong tục tập quán Việt Nam.

Song, một vấn đề khiến ông Tiến lo ngại nhất trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan là những thế hệ ra đời từ sự kết hợp giữa bố hoặc mẹ người Việt lấy bố hoặc mẹ người Ba Lan.

“Các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở đây rất lúng túng trong việc xác định nguồn gốc của mình. Các em ở giữa hai nền văn hóa nhưng lại chỉ được hấp thụ nền văn hóa phương Tây, các em không biết mình là ai, vì có em mắt thì xanh nhưng tóc lại đen…” ông Tiến nói.

Bậc làm cha mẹ ở Ba Lan dù có nỗ lực đến mấy để kéo con em về gần hơn với nguồn gốc của mình nhưng đều nhận thấy việc làm này thật muôn vàn gian nan. Bởi lớp học tiếng Việt chỉ có khoảng 150 em trong khi đó hàng ngày các em thụ hưởng nền giáo dục, văn hóa, nếp sống… và giao tiếp với người bản địa. Sợi dây kết nối duy nhất với quê hương của các em chỉ là ông bà, cha mẹ, những người còn đang bận rộn với chuyện… cơm áo.

Và nơi tiếng Việt được quan tâm

May mắn được sống trong môi trường có đông người Việt, Chủ tịch Hội người Việt tại Lào ông Nguyễn Viết Trung Kiều cho biết, tuy sinh ra và lớn lên ở Lào nhưng nơi ông ở có năm bản làng người Việt quần tụ nên thường xuyên tổ chức các hoạt động trong những ngày lễ, Tết truyền thống, dịp kỷ niệm của người Việt Nam như: kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, ngày Quốc khánh, ngày Cách mạng tháng 8, ngày Tết… và thường mời các lãnh đạo nước sở tại đến dự.

“Những ngày như thế này chúng tôi thường gặp gỡ kiều bào các tỉnh ở Lào để ôn lại truyền thống và cập nhật thông tin về đất nước Việt Nam,” ông Trung nói.

Ông Trung bảo, cộng đồng người Việt tại Lào có khoảng 40.000 người. Hiện nay tại Lào có đài tiếng nói, đài truyền hình của Việt Nam, các trường học tiếng Việt nên thế hệ trẻ con cháu người Việt tại Lào khá thạo tiếng Việt và hiểu biết rất nhiều về lịch sử văn hóa của người Việt.

Cũng may mắn là cộng đồng được tiếp xúc nhiều với môi trường tiếng Việt, thế hệ con em kiều bào ở Thụy Điển được Chính phủ nước sở tại rất quan tâm trong việc giữ gìn và phát triển tiếng mẹ đẻ.

Là gương mặt không xa lạ với giới làm nghệ thuật trong nước, họa sỹ Văn Dương Thành, người đã giảng dạy mỹ thuật tại Thụy Điển 25 năm qua cho hay, bà thường xuyên duy trì giảng dạy văn hóa, tiếng Việt cho các em kiều bào từ nhỏ. Ít nhất một buổi trong tuần, các em sẽ được học để có thể giao tiếp với bố mẹ, ông bà và các bạn.

Thành quả là các em hầu hết đã đọc được sách tiếng Việt, nghe đài, xem truyền hình tiếng Việt, từ đó sự gắn bó của các em với gia đình và văn hóa Việt dần nhiều hơn.

“Chúng tôi đã đề nghị với chính phủ Thụy Điển hàng tuần mời các thầy cô giáo người Việt đến giảng dạy, ở đâu có trường học cho người Việt là ở đó có giáo viên dạy tiếng Việt. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Thụy Điển cũng luôn mong muốn đóng góp cho quê hương, bằng hành động giúp đỡ những người Việt mới sang Thụy Điển vào làm việc tại các công ty của người Việt,” bà Thành nói./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục