Kinh tế Anh được và mất gì sau khi rời Liên minh châu Âu?

Sau phút hoan hỉ của phe ủng hộ Brexit lắng xuống, người Anh tự hỏi kinh tế nước nhà và bản thân họ sẽ được và mất gì, khi mà quyết định chia tay EU sau 43 năm gắn bó.
Kinh tế Anh được và mất gì sau khi rời Liên minh châu Âu? ảnh 1Một người biểu tình vẫy cờ Anh và EU bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự kiện người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 vừa qua là cú sốc lớn nhất đối với châu Âu kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ. Đối với Vương quốc Anh, đây là biến cố gây thiệt hại nhất kể từ sau Thế chiến II.

Sau phút hoan hỉ của phe ủng hộ Brexit (chỉ việc Anh rời EU) lắng xuống, người Anh tự hỏi kinh tế nước nhà và bản thân họ sẽ được và mất gì, khi mà quyết định chia tay sau 43 năm gắn bó với “ngôi nhà chung” khó tránh khỏi gây ra những xáo trộn lớn về mọi mặt không chỉ tại Anh, châu Âu mà trên phạm vi toàn cầu.

Bất ổn và bất an

Việc nước Anh ra khỏi EU là một cú sốc lớn đối với liên minh gồm 28 nước thành viên này, bởi Anh là nền kinh tế lớn thứ hai, là nhà đóng góp ngân sách chính và là một trong những nền kinh tế mở nhất trong liên minh. Không còn Anh trong EU, nhiều nước trong khối sẽ mất đi một chỗ dựa lớn về thương mại và đầu tư.

Đối với Anh, sự ra đi có thể gọi là “một đi không trở lại” này chưa biết sẽ mang lại sự độc lập trong các quyết sách hay những lợi ích về chính trị, kinh tế, thương mại hay nhập cư đến mức nào, song trước mắt nó sẽ gây sự xáo trộn không nhỏ trong bộ máy chính phủ, khiến các thị trường tài chính-tiền tệ chao đảo, các doanh nghiệp trì hoãn các quyết định đầu tư và lòng tin vào nền kinh tế giảm sút.

Cuộc vận động “ly hôn” với EU đã quá phức tạp, nhưng quá trình đàm phán “chia tay” có thể đeo đẳng từ hai năm cho tới một thập niên, hoặc thậm chí lâu hơn. Mối đe dọa lớn nhất trong thời gian trước mắt nằm ở chính sự bất ổn sau cuộc trưng cầu và sự bất an của người dân và giới đầu tư về triển vọng kinh tế, quan hệ Anh-EU, tương lai của người dân Anh ở EU và ngược lại, và cả nguy cơ EU tan rã sau sự ra đi của Xứ sở Sương mù.

Giới phân tích nhìn nhận khoảng thời gian dài chờ đợi từ nay tới lúc Anh thực sự ra khỏi EU và đạt được các thỏa thuận thương mại mới với EU là một trong những nguy cơ kinh tế lớn nhất.

Ngân hàng Trung ương Anh đã phải ra tuyên bố dành ưu tiên hàng đầu cho việc trấn an thị trường, sau khi đồng bảng rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 và hơn 2.000 tỷ USD bị “quét” khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu và thị trường Anh chỉ trong ngày 24/6, sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố. Mức thiệt hại này còn vượt xa tổn thất sau vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vốn châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Quá lo ngại, các nhà lãnh đạo EU đã lên tiếng thúc giục Anh nhanh chóng rời khỏi EU để sớm kết thúc giai đoạn bất ổn đe dọa các thị trường. Tuy nhiên, bất ổn định trong ngắn hạn sẽ không sớm kết thúc, bởi Thủ tướng Anh David Cameron chưa muốn bắt đầu các cuộc thương lượng về “Brexit” cho đến khi có người kế nhiệm ông dự kiến vào tháng Mười tới.

Được....

Xét tổng quan, kinh tế Anh có thể được lợi từ chính sách nhập cư và các quy định bớt bị ràng buộc hơn và các thỏa thuận thương mại thông thoáng hơn. Lợi ích từ Brexit trong mỗi lĩnh vực không phải quả lớn, nhưng chí ít cũng là tích cực. Thiệt hại về mặt dịch vụ tài chính, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tác động tiêu cực đối với các thị trường bất động sản là điều khó tránh trong ngắn hạn, song những tiêu cực ban đầu rất có thể biến thành cơ hội trong tương lai, nếu Anh biết tận dụng.

Chính phủ Anh có thể tiết kiệm được khoảng 10 tỷ bảng mỗi năm khi không phải đóng góp vào ngân sách của EU. Tuy nhiên, khoản tiết kiệm này có thể tiêu tan nếu kinh tế Anh sa sút hoặc Anh vẫn phải đóng góp một khoản ngân sách nhất định cho liên minh nếu ở lại Thị trường Chung châu Âu (ESM).

Nhiều tổ chức kinh tế, tài chính, các nhà kinh tế, chuyên gia phân tích kinh tế hàng đầu thế giới đã cảnh báo những nguy cơ từ Brexit đối với kinh tế Anh. Bộ Tài chính Anh dự báo GDP có thể giảm 3,6-6%, đồng bảng rớt giá mạnh, lương giảm 2,8-4%, hơn nửa triệu việc làm sẽ "ra đi," thậm chí kinh tế Anh còn đứng trước nguy cơ suy thoái. Nhưng bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế Anh vượt lên trước EU trong những năm gần đây và dự báo khoảng cách sẽ tiếp tục nới rộng trong những năm tới cho dù có Brexit hay không.

..và mất!

Được-mất nhiều khi cùng song hành. Khi rời EU, Anh hy vọng có thể kiểm soát tốt hơn và chủ động hơn vấn đề nhập cư từ liên minh. Tuy nhiên, tham gia Khu vực Kinh tế châu Âu, một lựa chọn tốt nhất để tiếp cận ESM đầy đủ, lại khiến Anh không thể ngăn chặn dòng lao động di chuyển tự do giữa Anh và EU.

Xét cụ thể một số lĩnh vực chịu tác động chính, về thương mại, khoảng 50% xuất khẩu hàng hóa của Anh là sang EU, song tính gộp cả những nước có thỏa thuận thương mại tự do với liên minh này, ước khoảng 63% xuất khẩu hàng hóa của Anh liên quan đến tư cách thành viên EU.

Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne từng cảnh báo nước Anh có thể mất khoảng 200 tỷ bảng xuất khẩu và 200 tỷ bảng dòng vốn đầu tư chảy vào nước này vào năm 2030, nếu nằm ngoài thị trường chung. Trong khi đó, theo công ty quản lý đầu tư Woodford Funds (Anh), nếu đàm phán diễn ra thuận lợi, hai bên sẽ đạt được thỏa thuận thương mại mang lại lợi ích cho cả đôi bên, còn trong trường hợp xấu nhất, Anh cũng sẽ chỉ phải chịu một mức thuế nhập khẩu nhất định. Nếu nằm ngoài ESM, các công ty xuất khẩu sẽ phải gánh thêm ít phí theo quy định về nguồn gốc xuất xứ của EU.

Mặt khác, khi không còn là thành viên EU, Anh có thể áp dụng chính sách thương mại tự do đơn phương và việc đàm phán với các nước không thuộc EU, như Thụy Sĩ, cũng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc dựa vào thương mại tự do đơn phương và các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng không đơn giản.

Trên phương diện đầu tư, tính đến cuối năm 2014, các công ty EU đã đầu tư tổng cộng khoảng 741 tỷ bảng vào Anh, chiếm khoảng 60% FDI của nước này. Sức hút đầu tư và hoạt động thương mại vào Anh giảm sút sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư và giao dịch tại nước này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường chung không phải lý do duy nhất để các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào Anh. Anh vẫn là địa chỉ tiếp nhận FDI đáng tin cậy trong dài hạn cho dù nước này có đứng ngoài EU.

Số người nhập cư ròng vào Anh năm 2015 là 333.000 người, mức cao thứ hai từ trước tới nay và cao hơn ba lần so với con số mục tiêu mà Thủ tướng David Cameron cam kết hồi năm 2010. Liệu nói có với Brexit, nước Anh có thể cắt giảm đáng kể số người nhập cư như những cử tri Anh mong muốn? Dù muốn hay không, với tình hình kinh tế tăng trưởng khả quan so với bình diện chung trên toàn cầu, nước Anh sẽ vẫn thu hút một lượng người nhập cư từ các nước ngoài EU cao hơn mức mà ông Cameron mong muốn.

Với việc Anh rời “ngôi nhà chung," kinh tế Anh đối mặt với nguy cơ lớn nhất hiện nay, trong khi liên kết EU bị suy yếu khi mất đi một “mắt-xích” quan trọng; lòng tin, danh tiếng và sự liên kết của liên minh này trên trường quốc tế cũng bị suy giảm.

Hậu quả lớn là Brexit” sẽ bẻ gẫy trật tự chính trị và kinh tế tự do mà Anh, EU và các nước đồng minh đang vun đắp. Hơn bao giờ hết, EU cần có những cải cách cần thiết để tránh kết cục tương tự đối với các thành viên khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục