Kinh tế Đông Nam Á “khó thở” do thảm họa khói mù lan rộng

Trước diễn biến ngày một nghiêm trọng hơn của tình trạng khói mù hiện nay, các chuyên gia ước tính thiệt hại kinh tế do tình trạng này gây ra với Indonesia vào khoảng 4 tỷ USD.
Kinh tế Đông Nam Á “khó thở” do thảm họa khói mù lan rộng ảnh 1Khói mù bao phủ sân bay ở Phuket, Thái Lan ngày 9/10. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định nước này sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ từ nước ngoài để giải quyết nạn cháy rừng ở Sumatra và Kalimantan - nguyên nhân dẫn đến thảm họa khói mù lan rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cũng như hoạt động kinh tế của các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir cho biết, nước này sẽ sớm hợp tác với Australia, Trung Quốc, Malaysia, Nga, Nhật Bản và Singapore để kiểm soát nạn cháy đất và cháy rừng đang hoành hành. Từ ngày 8/10, Indonesia đã nhận được sự giúp đỡ từ Singapore.

Ông Sutopo Purwo Nugroho, phụ trách về thông tin dữ liệu và quan hệ công chúng của Cơ quan Quốc gia về Quản lý thiên tai (BNPB), cho biết các hoạt động viện trợ quốc tế sẽ cùng với lực lượng trong nước tham gia một chiến dịch với sự điều phối chung nhằm hợp tác một cách hiệu quả nhất để nhanh chóng giải quyết những đám cháy. Viện trợ quốc tế sẽ được tập trung ở Nam Sumatra, nhất là ở các huyện Ogan Ogan Ilir và Banyuasin. Với sự hỗ trợ từ nước ngoài, Indonesia hy vọng sẽ nhanh chóng dập tắt ngọn lửa và khói bụi.

Trước diễn biến ngày một nghiêm trọng hơn của tình trạng khói mù hiện nay, các chuyên gia ước tính thiệt hại kinh tế do tình trạng này gây ra với Indonesia vào khoảng 4 tỷ USD.

Trước đây, nạn khói mù năm 1997 kéo dài khoảng ba tháng đã gây thiệt hại hàng tỷ USD đối với một số nền kinh tế Đông Nam Á, do làm gián đoạn hoạt động du lịch, chi phí y tế đội lên và tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất-kinh doanh.

Ước tính, nạn cháy rừng đã "móc túi" của Chính phủ Indonesia tới hơn 20 tỷ USD trong năm 1997-1998. Singapore - nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, cũng thiệt hại 9-10 tỷ USD.

Du lịch hiện đóng góp 6,4% cho kinh tế Malaysia và 5-6% đối với kinh tế Singapore.

Hiện Indonesia đã triển khai 26 máy bay trực thăng thực hiện nhiệm vụ thả bom nước, cùng bốn máy bay đặc biệt thực hiện kỹ thuật làm mưa nhân tạo. Số liệu từ Bộ Môi trường và Rừng Indonesia cho biết, 65 triệu lít nước đã được đổ vào các điểm nóng khác nhau ở năm tỉnh và 250 tấn muối đã được sử dụng để làm mưa nhân tạo. Hơn 22.000 nhân viên đã được triển khai để dập tắt các đám cháy, trong đó có nhân viên quân sự, cảnh sát, các lực lượng địa phương...

Bộ Ngoại giao Thái Lan mới đây đã mời Đại sứ Indonesia Lutfi Rauf đến trụ sở bộ này nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề khói mù do các đám cháy rừng ở Indonesia bay sang, ảnh hưởng đến các tỉnh miền Nam Thái Lan, nơi thu hút nhiều khách du lịch. Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này sẵn sàng cùng các nước ASEAN khác tìm kiếm các giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề khói bụi, do các đám cháy ở các đảo Sumatra và Borneo hàng năm ảnh hưởng đến các nước khu vực.

Giới chức Thái Lan đã nêu vấn đề này tại cuộc gặp các quan chức ngoại giao cấp cao ở Kuala Lumpur mới đây và sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề này ở Hội nghị bộ trưởng môi trường ASEAN từ 27-29/10 ở Hà Nội.

Khói mù đã bao phủ một phần Malaysia, Singapore trong hơn một tháng nay và tiếp tục lan về phía Bắc tới Thái Lan. Hiện đã có bảy tỉnh miền Nam Thái Lan là Narathiwat, Pattani, Phuket, Satun, Songkhla, Surat Thani và Yala bị ảnh hưởng trong nhiều ngày qua với nồng độ bụi trong không khí vào khoảng 201 microgram/m3, cao gần gấp 1,7 lần so với mức an toàn 120 microgram/m3. Nhà chức trách Thái Lan đã phải mở kênh hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe khi khói mù và phát khẩu trang cho người dân.

Các nhà khoa học cảnh báo đợt cháy rừng ở Indonesia năm nay có thể trở thành thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử bởi mùa khô còn kéo dài và lửa có nguy cơ tiếp tục lan rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục