Kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan

Dù FED và ECB tung ra các "liều thuốc giảm đau" cực mạnh, song kinh tế toàn cầu vẫn cần thời gian để phục hồi sau khủng hoảng nợ công.
Hai ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã tung ra các "liều thuốc giảm đau" cực mạnh, song kinh tế toàn cầu vẫn cần nhiều thời gian để phục hồi do tác động từ khủng hoảng nợ công.

Đây là nhận định do giới phân tích đưa ra ngày 16/9, sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết bỏ ngỏ nguồn cung ứng tiền tệ cho tới khi thị trường lao động nước này phục hồi ổn định và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gây ấn tượng với giới đầu tư bằng tuyên bố mua trái phiếu chính phủ của các nước thành viên.

Các cuộc khảo sát, được hãng tin Reuters công bố trong tuần này, cũng lý giải vì sao nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS)  Stephen Cecchetti nhận xét "chưa có cơ sở" để lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Ông Cecchetti nhấn mạnh nhiều nước chưa hoàn tất các kế hoạch cải cách về tài chính. Nam Âu chưa giải quyết được những bất cập trong lĩnh vực này và còn thiếu sự cạnh tranh. Kinh tế thế giới tiếp tục suy yếu khi tốc độ phục hồi ở các nền kinh tế tiên tiến không như mong đợi, trong khi đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Sự ổn định ở các nền kinh tế đang phát triển có thể giúp những nước này đạt tốc độ tăng trưởng lâu dài, song các nền kinh tế mới nổi không còn đủ sức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu như trong những năm gần đây

Bằng chứng thứ nhất là cuộc khảo sát nhằm vào các nhà quản lý mua ở Khu vực đồng euro cho thấy khu vực này vẫn tiếp tục chìm trong suy thoái

Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò dự báo chỉ số so sánh đã tăng từ 45,1 lên 45,5 trong tháng 8 vừa qua, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức chuẩn 50, mốc báo hiệu sự sụt giảm từ tăng trưởng

Có ý kiến cho rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu cần thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề nợ công và ngay cả khi đã áp dụng những biện pháp này thì kinh tế khu vực vẫn phát triển chậm chạp.

Bằng chứng thứ hai là cuộc khảo sát nhằm vào giới doanh nghiệp Nhật Bản, báo hiệu những thách thức lớn đối với các nhà sản xuất nước này

Nhiều doanh nghiệp cho rằng quyết định của Tokyo trong tuần trước hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong tháng thứ hai liên tiếp có thể gây sức ép buộc Ngân hàng Trung ương nước này một lần nữa phải nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời làm suy yếu đồng yên. Thị trường vốn Daiwa dự báo ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục bám vào chính sách này thêm một thời gian nữa.

Bằng chứng thứ ba là cuộc khảo sát nhằm vào các nhà quản lý mua Trung Quốc.

Không nhận thấy dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh tế ở Trung Quốc, tập đoàn đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự đoán nền kinh tế này sẽ suy yếu từ chỉ số so sánh 47,5 trong tháng 8 vừa qua. Nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên khi Bắc Kinh chưa hành động kiên quyết để ngăn chặn đà sụt giảm trong năm nay.

Theo nhận định của nhà kinh tế làm việc tại UBS London, ông Andrew Cates, việc tăng nguồn tiền cho vay dành cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tăng GDP của Khu vực đồng euro thêm 0,5%; chính sách tiền tệ của FED có thể giúp tăng sản lượng kinh tế của nước này thêm 0,3%; trong khi Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng tương tự nếu nhu cầu về hàng xuất khẩu của nước này cao hơn./

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục