Xuất hiện tia sáng

Kinh tế “xứ sở sương mù” xuất hiện những tia sáng

Việc hoàng tử George Alexander Louis chào đời cùng với số liệu kinh tế đáng mừng gần đây đang đem đến nhiều hy vọng cho kinh tế Anh.
Việc hoàng tử George Alexander Louis, người kế vị xếp hàng thứ ba của Hoàng gia Anh, chào đời cùng với những số liệu kinh tế đáng mừng trong thời gian gần đây đang đem đến nhiều hy vọng cho kinh tế nước Anh.

Khi những tia sáng xuất hiện…

Ngay khi Hoàng tử xứ Cambridge chào đời, các hãng thăm dò dư luận đều đi đến một kết luận rằng, dù còn bé nhưng thành viên mới của Hoàng gia Anh sẽ đóng góp đáng kể cho kinh tế "Xứ sở Sương mù."

Theo Trung tâm Nghiên cứu Bán lẻ (CRR) có trụ sở ở Nottingham, các hãng bán lẻ nước này có thể thu về khoảng 243 triệu bảng (388 triệu USD) nhờ những sản phẩm liên quan đến sự kiện "cục cưng" Hoàng gia Anh chào đời. Nhà kinh tế Howard Archer phụ trách khu vực Anh và châu Âu thuộc hãng tư vấn IHS Global Insight khẳng định hiệu ứng từ sự kiện này là rất tích cực.

Trong khi đó, nền kinh tế cũng phát đi một loạt thông tin lạc quan khác. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), trong quý II/2013, kinh tế nước này đã tăng trưởng 0,6%, nhờ lần đầu tiên trong gần ba năm qua tất cả các ngành kinh tế chủ chốt, từ nông nghiệp, xây dựng, sản xuất công nghiệp đến dịch vụ, đều tăng ấn tượng. Trong đó, ngành dịch vụ (đóng góp hơn 75% GDP) đạt mức tăng trưởng 0,6% so với quý I/2013, ngành chế tạo (chiếm 10,5% GDP) tăng tương ứng 0,4%.

Cũng theo ONS, số người thất nghiệp trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2013 đã giảm 57.000 xuống còn 2,5 triệu người, tương đương với 7,8% lực lượng lao động ở nước này. Trong tháng 6/2013, số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm 21.200 người xuống còn 1,48 triệu người - mức giảm mạnh nhất trong ba năm trở lại đây. Những thông tin về kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp cũng củng cố nhận định rằng kinh tế Anh đang "khỏe" lại. JD Wetherspoon thông báo sẽ mở cửa thêm các cửa hàng trong năm 2014, trong khi nhà thầu British Land kể từ tháng 4/2013 đến nay đã đầu tư 512 triệu bảng (787 triệu USD) cho các phi vụ mua bất động sản.

Gần đây, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã nâng triển vọng của ngành ngân hàng Anh từ tiêu cực lên mức ổn định sau khi nền kinh tế nước này có những dấu hiệu phục hồi. Trong thông cáo đưa ra ngày 10/7, Moody's cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ở "đảo quốc Sương mù" không tăng mạnh như trong các đợt suy thoái kinh tế trước đây, do đó đã góp phần vào sự ổn định về chất lượng tài sản của các ngân hàng. Thêm vào đó, Moody's cho biết nguồn vốn của các ngân hàng tiếp tục được cải thiện sau khi nước này áp dụng các quy định mới, chặt chẽ hơn cũng là lý do để hãng này nâng triển vọng của ngành ngân hàng Anh.

Ngoài ra, kết quả điều tra do công ty nghiên cứu thị trường YouGov và Trung tâm nghiên cứu kinh tế-thương mại phối hợp thực hiện cho thấy người tiêu dùng, động lực chủ chốt của kinh tế Anh, “hưng phấn” hơn và đang ở trong tâm trạng lạc quan nhất kể từ tháng 4/2010. Xu hướng phục hồi của kinh tế Anh đang đối ngược với các nước còn lại ở châu Âu. Nhiều nước ở "lục địa già" vẫn đang vật lộn để tăng trưởng hay bị mắc kẹt trong suy thoái.

Bình minh hé rạng?

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định những thông tin tích cực như trên chỉ là bề nổi, thực chất kinh tế Anh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Bộ trưởng Tài chính George Osborne cũng khẳng định Anh còn phải trải qua một chặng đường dài, để phục hồi nền kinh tế.

Xét trên bình diện kinh tế vĩ mô, cho đến thời điểm này, khu vực tài chính công của Anh chưa thực sự khởi sắc khi nợ công tiếp tục tăng. Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế “Xứ sở Sương mù” vẫn đang đối mặt nguy cơ bất ổn cao. Nợ công trong tháng 6/2013 của Anh là 12,4 tỷ bảng (gần 20 tỷ USD), tăng 500 triệu bảng (800 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 74,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tỷ lệ nợ công so với GDP tháng 6/2012 là gần 72%. Với tổng số các khoản tiền vay mượn vẫn còn khá cao, ONS cảnh báo rằng nợ công của Anh có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thực trạng nền tài chính công hiện nay buộc Chính phủ Anh phải kéo dài chính sách "thắt lưng, buộc bụng" về ngân sách. Song, giới phân tích cho rằng tiến độ giảm nợ công và thâm hụt ngân sách chậm hơn nhiều so với dự kiến. Nhà kinh tế Martin Beck thuộc hãng tư vấn Capital Economics nhận xét rằng khu vực tài chính công của Anh vẫn còn rất ảm đạm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Tổng nợ công của Anh năm 2012 là 120 tỷ bảng (192 tỷ USD), xấp xỉ mức vay của năm 2011. Theo dự báo của Cơ quan giám sát độc lập về ngân sách (OBR), nợ công năm 2013 sẽ không giảm hơn so với mức năm 2012.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lên tiếng cảnh báo hệ thống chăm sóc y tế và lương hưu của Anh có thể rơi vào khủng hoảng nếu Chính phủ nước này không có những biện pháp cắt giảm phúc lợi xã hội. Ngân sách dành cho phúc lợi xã hội tại "đảo quốc Sương mù" đã tăng đáng kể trong những thập niên gần đây và hiện chiếm 23,8% GDP.

Ông Willem Adema, chuyên gia kinh tế cao cấp của OECD, cho biết quyết định tăng khoản khấu trừ thuế cho các hộ gia đình của Chính phủ nhiệm kỳ trước, cùng với dân số đang già hóa đã đẩy chi tiêu ngân sách cho phúc lợi xã hội lên cao.

Một vấn đề khác là tỷ lệ lạm phát đang tiếp tục gây sức ép lên chi tiêu của các gia đình (đóng góp 60% GDP của kinh tế Anh), khi mà thu nhập trung bình trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2013 chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 6/2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này, một chỉ số cơ bản trong tính tỷ lệ lạm phát, đã tăng 2,9% từ mức 2,7% trong tháng trước đó, chủ yếu do giá nhiên liệu tăng. Nhà kinh tế Howard Archer, thuộc IHS Global Insight, nhận định chi tiêu tiêu dùng tại Anh đang đối mặt với những “trận gió ngược” lớn.

Giới phân tích nhấn mạnh Anh đối mặt nhiều khó khăn để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế. Trong nỗ lực này, chính phủ của Thủ tướng David Cameron đã đưa ra chương trình chi tiêu trị giá 100 tỷ bảng cho các dự án cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2015-2020.

Về chính sách tiền tệ, nhà kinh tế Victoria Clarke, thuộc Investec, cho rằng tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Mark Carney có thể sẽ tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng và giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% được duy trì suốt từ tháng 3/2009. Cho đến nay, BoE đã bơm tổng cộng 375 tỷ bảng (600 tỷ USD) cho chương trình mua lại trái phiếu chính phủ này.

Khó khăn đúng là còn nhiều, nhưng hãng cung cấp dịch vụ kiểm toán, tài chính và tư vấn hàng đầu thế giới Ernst & Young (E&Y) vẫn đánh giá tích cực về triển vọng của kinh tế Anh trong năm tới. E&Y dự báo kinh tế của "Xứ sở Sương mù" sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, sau đó tốc độ sẽ tăng gấp đôi lên 2,2% vào năm tới và sẽ đạt mức tăng trung bình 2,5% trong các năm tiếp theo, nhờ xuất khẩu và môi trường kinh doanh của nước này cải thiện đáng kể./.

Trà My (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục