Ký họa kháng chiến qua bàn tay họa sĩ Tô Ngọc Vân

Tọa đàm "Tô Ngọc Vân - Ký họa kháng chiến" được tổ chức nhân dịp ra mắt sách “Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam”.

Ngày 6/12, nhân dịp sắp ra mắt sách 'Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954,' Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức tọa đàm "Tô Ngọc Vân - Ký họa kháng chiến"

Quyển sách do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành, họa sỹ Phan Cẩm Thượng giới thiệu các nghiên cứu của họa sỹ Tô Ngọc Vân từ sưu tập của ông Tira Vanictheeranont.

Ông Tira Vanictheeranont - Nhà kinh doanh và sưu tập tranh, đồ cổ người Thái Lan cho biết, ông thực sự nhận ra giá trị, ngưỡng mộ những sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Bởi vậy, ông muốn xuất bản cuốn sách để bảo tồn 380 ký họa cùng nhiều ảnh tư liệu của họa sỹ Tô Ngọc Vân, những bức vẽ có giá trị lịch sử, để cho các thế hệ mai sau có thể biết và chiêm ngưỡng.

Theo họa sỹ Phan Cẩm Thượng,  sách 'Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954' cho bạn đọc hiểu biết về Tô Ngọc Vân trong nền nghệ thuật Việt Nam cùng những ký họa trước năm 1945.

Ngoài ra, bạn đọc cũng được xem những ký họa khi đi học, vẽ các cô người mẫu, khi chạy tản cư, theo kháng chiến chống Pháp, ký họa bộ đội và tù binh, ký họa an toàn khu trong kháng chiến, đại hội văn hóa văn nghệ Việt Bắc, ký họa cải cách ruộng đất, thư từ và các ghi chép riêng của Tô Ngọc Vân.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954), quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Thuở nhỏ, Tô Ngọc Vân là cậu bé nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ. Rất yêu thích vẽ nên Tô Ngọc Vân bỏ học để đi theo con đường nghệ thuật.

Năm 1926, ông trúng tuyển vào Trường Mĩ thuật Đông Dương. Những năm học ở đây, Tô Ngọc Vân hăng say tiếp nhận những kiến thức về nghệ thuật tạo hình mới của châu Âu, đặc biệt là lối sử dụng chất liệu sơn dầu.

Năm 1931, Tô Ngọc Vân tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Đông Dương. Năm 1932, tác phẩm 'Bức thư' (tranh lụa) của ông được tặng bằng danh dự của Hội các hoạ sĩ Pháp và được thưởng Huy chương vàng ở Triển lãm thuộc địa tại Paris. Năm 1935, ông được bổ nhiệm đi dạy vẽ tại Phnom Penh, Campuchia.

Tô Ngọc Vân là hoạ sỹ rất thành công với chất liệu sơn dầu. Tranh của ông không đơn thuần là sao chép vẻ đẹp thiên nhiên, mà qua đó ông đã gửi gắm nỗi lòng của người nghệ sỹ. Thời kì đầu, chủ yếu ông hay vẽ mô tả vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ thị thành; những bức tranh nổi tiếng thời đó như 'Thiếu nữ bên hoa huệ (1943)', 'Hai thiếu nữ và em bé (1944)', 'Thiếu nữ với hoa sen (1944)'...

Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thức tỉnh và lay động tâm hồn người nghệ sĩ.

Tô Ngọc Vân đoạn tuyệt với đề tài cũ, bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của mình, mở đầu là bức tranh thể hiện hình tượng 'Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946)'./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục