Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam-Nam Phi

Từ ngày 6-10/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Công Thương tham dự kỳ họp Lần thứ ba Ủy ban Thương mại Hỗn hợp Việt Nam-Nam Phi tại thủ đô Pretoria.
Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam-Nam Phi ảnh 1Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Mzwandile Masina ký và trao đổi Biên bản Kỳ họp. (Ảnh: Mạnh Hùng-Dư Hưng/Vietnam+)

Trong thời gian từ ngày 6-10/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Công Thương tham dự kỳ họp Lần thứ ba Ủy ban Thương mại Hỗn hợp Việt Nam-Nam Phi tại thủ đô Pretoria.

Cùng dự kỳ họp và các hoạt động của đoàn tại Nam Phi có Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nam Phi và đại diện các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công Thương. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực than, khoáng sản, xây dựng dân dụng, vật liệu xây dựng...

Tại kỳ họp, hai bên đã kiểm điểm tình hình hợp tác kinh tế, thương mại song phương kể từ kỳ họp lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội năm 2008 và ghi nhận bước phát triển đáng kể trong kim ngạch thương mại song phương, đạt khoảng 1,15 tỷ USD năm 2015, tăng gần gấp đôi so với mức 659 triệu USD năm 2010. Hai bên nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 3 tỷ USD năm 2020.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh vai trò của Nam Phi trong nền kinh tế khu vực và cho biết Nam Phi hiện đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khu vực châu Phi với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã từng bước thâm nhập và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quan trọng và tiềm năng này.

Nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại Việt Nam-Nam Phi, Thứ trưởng đã đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm gồm đẩy mạnh tự do hóa thương mại, hạn chế việc áp dụng các rào cản thương mại và đầu tư; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn doanh nghiệp, cung cấp thông tin về thị trường và sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp hai nước tham dự triển lãm, hội chợ, các sự kiện xúc tiến thương mại... tại mỗi nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề xuất việc ký kết Thỏa thuận hợp tác về xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (VIETRADE) và Cục Thương mại và Đầu tư Nam Phi (TISA); và thiết lập kênh phân phối hàng Việt Nam tại Nam Phi thông qua kết nối trực tiếp với các nhà phân phối và hệ thống siêu thị của Nam Phi, trong đó có việc phối hợp tổ chức sự kiện giới thiệu hàng Việt Nam tại Nam Phi (“Made in Viet Nam Product” Roadshows).

Bên cạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại, điểm nổi bật tại kỳ họp lần này là việc Việt Nam chủ động đề xuất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất một số lĩnh vực trọng tâm bao gồm khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến titan và pigment, luyện kim, máy móc, sắt thép, hóa chất, phân bón, bột giấy, nhiệt điện, sản xuất và lắp ráp ôtô, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, chế biến thực phẩm.

Cụ thể, trong lĩnh vực khoáng sản và năng lượng, Thứ trưởng đề nghị Chính phủ Nam Phi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nam Phi đầu tư, hợp tác phát triển nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho việc xuất khẩu than sang Việt Nam đáp ứng nhu cầu than của Việt Nam, nhất là của các nhà máy nhiệt điện.

Thứ trưởng cũng đề nghị phía Nam Phi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, khai thác và phát triển mỏ than tại Nam Phi. Về đầu tư, Thứ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp Nam Phi đầu tư vào Việt Nam sản xuất phục vụ xuất khẩu, trong đó có lĩnh vực dệt may, chế biến nông sản thực phẩm... để tận dụng các ưu đãi thuế quan do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia đem lại.

Với tinh thần cởi mở và hợp tác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nam Phi Mzwandile Masina nhất trí với các đề xuất nêu trên đồng thời đề nghị phía Việt Nam tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến (sữa, thịt bò, hoa quả tươi...) của Nam Phi đã đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Ông M.Masina cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư sang Nam Phi.

Trong thời gian làm việc tại Nam Phi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Khoáng sản Nam Phi Godfrey Oliphant.

Ông Godfrey Oliphant nhất trí với đề xuất của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản cũng như nhập khẩu than từ Nam Phi về Việt Nam, đồng thời nhất trí với đề xuất việc ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại khoáng sản giữa hai nước.

Bên cạnh những hoạt động chính thức trong khuôn khổ kỳ họp, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã phối hợp với Bộ Công Thương Nam Phi tổ chức Hội thảo doanh nghiệp Việt Nam-Nam Phi với sự tham dự của hơn 50 doanh nghiệp Nam Phi trong các lĩnh vực than, khoáng sản, cơ khí, năng lượng tái tạo, quốc phòng, ôtô, viễn thông, nông sản, thực phẩm...

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp Nam Phi bày tỏ sự quan tâm tới việc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, tham gia kênh phân phối và bán lẻ tại Việt Nam, hợp tác đầu tư mỏ than tại Nam Phi và xuất khẩu than sang Việt Nam.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Cục Xúc tiến Đầu tư của Vương quốc Swaziland (một quốc gia độc lập ở khu vực miền Nam châu Phi). Nhân dịp này, Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (VIETRADE) đã ký Thỏa thuận hợp tác với Cục Xúc tiến Đầu tư Swaziland (SIPA) nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp cũng như hỗ trợ cung cấp thông tin và dịch vụ cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục