Kỳ họp Quốc hội: Tranh luận sôi nổi, điều hành có nhiều đổi mới

Với tinh thần dân chủ, đổi mới, Quốc hội chuyển từ Quốc hội phát biểu sang Quốc hội tranh luận với không khí sôi nổi, dưới sự điều hành linh hoạt của chủ tọa.
Kỳ họp Quốc hội: Tranh luận sôi nổi, điều hành có nhiều đổi mới ảnh 1Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 21/6, tại Nhà Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chúc mừng lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí và các phóng viên nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Thông báo kết quả kỳ họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nội dung trọng tâm với nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng, các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, thông qua 12 luật và một số nghị quyết với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật về tư pháp, quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

[Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV: Đổi mới, hành động vì lợi ích nhân dân]

Riêng dự án Luật Quy hoạch, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua tại Kỳ họp này do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, cần thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10 tới.

Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 6 dự án luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, quản lý nợ công trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành lâm nghiệp, thủy sản…

Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện và thống nhất tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để đẩy nhanh tốc độ triển khai của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm hai Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Lê Hồng Quang và ông Nguyễn Văn Tiến.

Quốc hội đã tập trung đánh giá mặt được, chưa được và nguyên nhân yếu kém, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017… để đề xuất nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2017. Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.”

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, đồng thời, thành lập Đoàn giám sát để triển khai thực hiện. Trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016” tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, với thời gian 3 ngày, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn các vấn đề quan trọng, nổi cộm, bám sát tình hình thực tế, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân về các vấn đề nóng, nhạy cảm.

Đánh giá về những thay đổi tích cực của kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, đây là kỳ họp đầu tiên thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với khối lượng công việc khá đồ sộ.

Với tinh thần dân chủ, đổi mới, Quốc hội đã chuyển từ Quốc hội phát biểu sang Quốc hội tranh luận với không khí tranh luận sôi nổi giữa đại biểu với thành viên Chính phủ, giữa các đại biểu để làm rõ vấn đề.

Bên cạnh đó, kỳ họp cũng thể hiện sự điều hành linh hoạt của chủ tọa. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và căn cứ vào khối lượng công việc, chủ tọa đã quyết định kéo dài thời gian thảo luận, dài nhất đến 18 giờ 30, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu kỷ lục tại một phiên họp là 93.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng được tăng thời gian từ 2,5 ngày lên 3 ngày để dành thời gian cho việc hỏi và trả lời giữa các đại biểu và thành viên Chính phủ. Đây là những đổi mới cần phát huy tại kỳ họp sau, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Việc dự án Luật Quy hoạch chưa được thông qua và dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) phải xin thêm ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong quá trình làm luật, ban soạn thảo thấy những dự án luật này đã đủ điều kiện trình ra Quốc hội.

Tuy nhiên, qua thảo luận của các đại biểu, các dự án luật này đã bộc lộ nhiều vấn đề, cần nghiên cứu thêm để hoàn thiện. Tinh thần là không chạy theo số lượng mà phải đảm bảo chất lượng, bảo đảm tính khả thi của luật khi đi vào cuộc sống, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục