Ký kết dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mekong

Hợp đồng dịch vụ tư vấn Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống, đường dẫn cầu Vàm Cống, ký tối 18/10, tại Hà Nội.
Hợp đồng dịch vụ tư vấn gồm thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công, Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống, đường dẫn cầu Vàm Cống, đã được ký tối 18/10, tại Hà Nội.

Chứng kiến lễ ký có lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Giám đốc Quỹ phát triển quốc tế Hàn Quốc (EDCF) tại Việt Nam, Tổng Công ty phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long và Liên doanh các Nhà thầu tư vấn Wilbur Smith Associates & WSP Finland và Yooshin Engineering Cooperation.

Đây cũng là hoạt động khởi động dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mekong.

Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mekong dài khoảng 79km; được chia làm 6 dự án thành phần; trong đó, cầu Cao Lãnh và đường dẫn với quy mô là 6 làn xe gồm 4 làn xe ôtô và 2 làn xe thô sơ, mặt cắt ngang 24,50m với tổng chiều dài 7,8km (trong đó chiều dài cầu là 2,1km) thuộc thành phần 1.

Thành phần 2 là tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống là 6 làn xe trong đó 4 làn xe ôtô và 2 làn xe thô sơ, mặt cắt ngang 20,60m, với tổng chiều dài là 15,7km. Thành phần 3 là cầu Vàm Cống và đường dẫn với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, mặt cắt ngang 24,50m, với tổng chiều dài là 5,8km (trong đó có 2,9km cầu).

Giai đoạn 1 của dự án gồm việc xây dựng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối giữa cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống với chiều dài khoảng 29,3km. Tổng mức đầu tư giai đoạn này hơn 750 triệu USD được đồng tài trợ bởi Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID), ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Trong số vốn của giai đoạn 1, Chính phủ Australia (thông qua AusAID) viện trợ không hoàn lại hơn 170 triệu USD để thực hiện Hợp đồng dịch vụ tư vấn và xây dựng cầu Cao Lãnh; 220 triệu USD của ADB để xây dựng tuyến nối cầu Cao Lãnh-cầu Vàm Cống và đường dẫn cầu Vàm Cống và một phần cho xây dựng cầu Cao Lãnh và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay cầu Vàm Cống thuộc nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ EDCF đang trong quá trình đấu thầu tuyển chọn tư vấn).

Đồng bằng sông Cửu Long bị chia cắt bởi hai con sông chính là sông Tiền và sông Hậu, việc nối liền hai bờ các con sông này chỉ mới được giải quyết tại vị trí Quốc lộ1A (cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền và cầu Cần Thơ qua sông Hậu). Hiện nay, việc giao thông tại khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải qua 2 phà là phà Vàm Cống ở sông Tiền và phà Cao Lãnh ở sông Hậu. Điều đó lý giải cho việc vùng đất giàu tiềm năng này chưa thể phát triển với tốc độ mong muốn.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có quy hoạch phát triển tổng thể cả khu vực; trong đó có Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Mekong.

Cầu Cao Lãnh (vượt sông Tiền) được xây dựng tại vị trí gần phà Cao Lãnh. Tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống là tuyến kết nối giữa cầu cầu Cao Lãnh với cầu Vàm Cống (vượt sông Hậu) sẽ được xây dựng gần vị trí phà Vàm Cống hiện tại. Việc xây dựng tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống này nối thông Quốc lộ 80, Quốc lộ 30 rút ngắn cự ly đi lại giữa tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp với Vĩnh Long, Tiền Giang và giảm tải đáng kể cho Quốc lộ 1A.

Sau khi hoàn thành dự án này cùng với việc hoàn thành xây dựng tuyến Lộ Lẻ-Rạch Sỏi sẽ hình thành trục dọc thứ 2 nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Rạch giá theo tuyến N2-cầu Cao Lãnh-cầu Vàm Cống-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và kết nối với Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam đang được xây dựng.

Công tác thiết kế kỹ thuật Dự án cầu Cao Lãnh, tuyến nối cầu Cao Lãnh-cầu Vàm Cống do Tư vấn thiết kế và giám sát là Liên danh Wilbur Smith Associates & WSP Finland và Yooshin Engineering Cooperation đảm nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức cho biết hai cây cầu và đường bộ nối liền sông Mekong được hoàn thành sẽ đem lại lợi ích cho khoảng 170.000 người trong một ngày lưu thông trên tuyến này và khoảng 3 triệu dân cư sinh sống tại 3 tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Ngoài ra, dự án cũng cải thiện dịch vụ giao thông của khu vực trung tâm Đồng bằng sông Mekong thông qua kết nối giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các vùng Đông Nam khu vực Đồng bằng sông Mekong./.

Uông Lam (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục