Ký kết hợp tác công-tư hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững

Thỏa thuận hợp tác công-tư (TPP) hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững được ký kết tại Hà Nội nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành thủy sản.
Ký kết hợp tác công-tư hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững ảnh 1Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy Sao Ta (Sóc Trăng). (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Ngày 9/9, tại Hà Nội, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác công-tư (TPP) hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững đã diễn ra với sự tham gia của các tổ chức có chung nguyện vọng đóng góp cho sự phát triển bền vững, có trách nhiệm của ngành thủy sản Việt Nam.

Với sự khởi xướng của Tổng cục Thủy sản (D-Fish), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thỏa thuận hợp tác này còn có sự tham gia sáng lập của 6 thành viên khác bao gồm Tổ chức hợp tác quốc tế Cộng hòa liên bang Đức (GIZ), Tổ chức Sáng kiến Bền vững Thương mại (IDH), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam).

Tất cả các thành viên cam kết hợp tác phát triển và thúc đẩy các thực hành nghề cá có trách nhiệm. Hỗ trợ phát triển các chiến lược quốc gia, chương trình, kế hoạch và chính sách có liên quan về nghề cá có trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam.

Các bên sẽ hỗ trợ phát triển những giải pháp khuyến khích như ưu đãi về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho việc tiếp nhận các thực hành có trách nhiệm. Cùng với đó là xúc tiến các sản phẩm thủy sản có trách nhiệm trên thị trường quốc tế và trong nước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các công ty tư nhân cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Thỏa thuận hợp tác này là nền tảng cho sự hợp tác giữa hai khối nhà nước-tư nhân, đồng thời góp phần giảm thiểu sự chồng chéo trong hoạt động và tăng cường sự phối hợp giữa các bên.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, thỏa thuận hợp tác này sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của ngành thủy sản khi hướng tới mục tiêu phát triển có trách nhiệm và đáp ứng nhu cầu đặt ra bởi các thị trường xuất khẩu.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Quản lý các Chương trình Bảo tồn, WWF Việt Nam, đánh giá tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức dân sự… đã và đang có những đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực thủy sản. Hợp tác này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức có tiếng nói, đóng góp cụ thể, thiết thực hơn để có những đóng góp hiệu quả hơn.

Bản thỏa thuận này sẽ giúp cho các đơn vị, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ tránh được sự trùng lắp trong các hoạt động và định hướng được những mảng vẫn còn thiếu hụt, cần sự hỗ trợ để có sự đầu tư hơn cho những mảng thiếu hụt đó. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ tiếp cận nhanh hơn các định hướng phát triển của Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, sau lễ ký, các thành viên nên có sự bàn bạc cụ thể hơn về bộ máy thường trực, cơ chế phối hợp giữa các đối tác và chia sẻ thông tin dữ liệu.

Đây cũng là kênh giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có được những thông tin từ nhiều phía, đặc biệt là các chuyên gia, đối tác giúp cho thủy sản Việt Nam trong thời gian tới có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục