Kỷ niệm 130 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình

Tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Kỷ niệm 130 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình ảnh 1Một góc thành phố Hòa Bình. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tối 19/11, Tại Quảng trường thành phố, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (1886-2016), 25 tái lập tỉnh Hòa Bình,̀ công bố Quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, công bố Mo Mường và nghệ thuật Chiêng Mường Hòa Bình là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh dự buổi lễ.

Buổi lễ là sự kiện chính trị, văn hóa quy mô lớn của tỉnh, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc và di sản văn hóa quốc gia, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân các dân các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã ôn lại chặng đường lịch sử 130 năm hình thành và phát triển của tỉnh Hòa Bình, một địa phương có bề dày lịch sử với nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, được nhân loại biết đến.

Tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 22/6/1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường, tách phần đất có người Mường cư trú từ các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội và Ninh Bình. Ngày 1/10/1991, tỉnh Hòa Bình được chia tách từ tỉnh Hà Sơn Bình. Đến nay, Hoà Bình có diện tích tự nhiên 4.596 km2, dân số trên 83 vạn người, gồm 10 huyện và 1 thành phố.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, sau 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế-xã hội của tỉnh Hòa Bình đã đạt những thành tựu toàn diện, GDP liên tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, với mức bình quân 8,72%/năm.

Bình quân thu nhập quốc dân tính theo đầu người đến năm 2015 đạt 36,5 triệu đồng, cao hơn mức trung bình khu vực miền núi phía Bắc, so với năm 1991 tăng gần 50 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,26% (tiêu chí cũ). Sản lượng lương thực từ 20 vạn tấn nay nâng lên trên 36 vạn tấn.

Hiện tỉnh có hơn 6000 ha trồng cây ăn trái, phấn đấu đến 2020 mở rộng lên trên 11 ngàn ha. Độ che phủ rừng đạt trên 50% tổng diện tích. Kinh tế công nghiệp từ chỗ nhỏ lẻ, nay có tốc độ tăng trưởng khá, đã hình thành những khu công nghiệp tập trung sản xuất đa ngành nghề như may mặc, điện tử, chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng... Đời sống nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi với 31 xã hoàn thành đủ các tiêu chí nông thôn mới.

Năm 2016, tỉnh phấn đấu đạt thêm từ 8-10 xã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng giảm sản lượng lúa, thay bằng các loại hình sản phẩm nông nghiệp kinh tế cao, nhất là cây ăn quả.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Phát biểu tại buổi lễ, Đinh Thế Huynh nhiệt liệt biểu dương thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã vượt khó đi lên. Đồng thời lưu ý Hòa Bình là địa phương có vị trí địa lý tương đối thuận lợi so với các tỉnh Tây Bắc, tiếp giáp vùng quy hoạch Thủ đô, có lợi thế để trở thành vùng hậu cần, cung cấp hàng hóa nông sản, thực phẩm, dịch vụ cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Một tiềm năng nữa, cũng là điểm nổi bật của Hòa Bình là những địa điểm du lịch hấp dẫn như Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, điểm du lịch quốc gia Mai Châu và một số nơi có tiềm năng như Lạc Thủy, Kim Bôi, Cao Phong, Lương Sơn, các di tích lịch sử, các danh lam, thắng cảnh có tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, tín ngưỡng….

Tỉnh cần rà soát lại kết quả tái cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp hơn với kinh tế thị trường, chuẩn bị tốt các điều kiện cho hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó, chú ý đến hoạt động khởi nghiệp.

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã tóm tắt nội dung Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, công bố Mo Mường và nghệ thuật Chiêng Mường Hòa Bình là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình lần thứ 2, trước đó, tại khu vực quảng trường Hòa Bình đã diễn ra Festival hội làm vườn và sinh vật cảnh lần thứ I năm 2016.

Đây được xem là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Hòa Bình cũng như các tỉnh thành trong nước; là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sinh vật cảnh, làm cầu nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong và ngoài nước. Festival diễn ra đến ngày 25/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục