Kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Quảng Nam

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Quảng Nam.
Kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Quảng Nam ảnh 1Bộ đội Biên phòng Quảng Nam giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Ngày 19/5, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Quảng Nam (19/5/1961-19/5/2015).

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng An ninh Quảng Nam (nay là Bộ đội Biên phòng Quảng Nam) đã cống hiến, hy sinh, góp phần viết nên trang sử vẻ vang, hào hùng của quân và dân Quảng Nam.

Trong thời gian tới, cán bộ, chiến sỹ lực lượng biên phòng Quảng Nam cần phấn đấu nỗ lực hơn nữa trong việc phối hợp giữ gìn, bảo vệ an toàn vùng biên giới đã được giao. Đồng thời, hỗ trợ nhân dân dọc tuyến biên giới, áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống về tinh thần lẫn vật chất.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhân dân sống dọc biên giới của tỉnh kết nghĩa Sê Kông (Lào) về cơ sở vật chất, giáo dục… để tô thắm hơn nữa tình đoàn kết giữa quân và dân Việt – Lào.

Ngày 19/5/1961, tại thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Tổ Cảnh vệ - tên gọi đầu tiên của An ninh vũ trang Quảng Nam, (tiền thân của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam ngày nay) - được thành lập với quân số gồm 7 người.

Mặc dù lực lượng còn ít, vũ khí thô sơ, nhưng với ý chí quyết tâm cao, tinh thần dám đánh, quyết đánh, quyết thắng, An ninh vũ trang tỉnh cùng với quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, góp phần to lớn làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Tiêu biểu là cuộc chiến đấu với địch bảo vệ căn cứ Đỗ Xá (tháng 4/1963); trận chống càn vào căn cứ Sơn-CẩmHà (tháng 8/1966); đêm 26/5/1965 lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam đã tổ chức vượt sông Tam Kỳ đột nhập sâu vào nội thị Tam Kỳ bắt sống tên Bùi Phan Ân, Quận phó Tam Kỳ và nổ súng vào nhiều mục tiêu khác.

Đêm 2/10/1965, Đội trinh sát vũ trang Quảng Nam bắt sống tên Nguyễn Thứ, nhân viên tình báo thuộc “Biệt đội sưu tầm” và tên Nguyễn Bắc, cảnh sát trưởng xã Kỳ Mỹ ngay tại trung tâm thị xã Tam Kỳ, thu nhiều tài liệu mật…

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cán bộ chiến sỹ An ninh ninh vũ trang - Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng tỉnh khoác ba lô đến với mảnh đất biên cương giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ và nơi đầu sóng ngọn gió, đảo xa để thực hiện nhiệm vụ mới là quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển.

Để tiếp tục khẳng định chủ quyền trên thực địa cũng như tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác hai bên biên giới, thực hiện Hiệp định phân định biên giới của hai Nhà nước Việt Nam-Lào, từ năm 1977 đến 1979, Công an nhân dân vũ trang Quảng Nam-Đà Nẵng cùng phía bạn Lào lại vượt rừng băng núi để xác định tọa độ, đặt 17 mốc quốc giới.

Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để Bộ đội Biên phòng thực thi chức năng nhiệm vụ, cũng là cơ sở để thực hiện kế hoạch tăng số lượng, tôn tạo hệ thống 60 cột mốc, 7 cọc dấu hiện đại, vững chắc trên tuyến biên giới và hoàn thành vào năm 2012.

Cùng với công tác phối hợp giữa các địa phương chung đường biên nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào trong bảo vệ chủ quyền, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai nhiều hoạt động giúp tỉnh Sê Kông như xây dựng trường học, trạm y tế, hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ người có công với cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, xây dựng khu liên hiệp kiểm soát của khẩu Đắc Tà Oọc, tổ chức kết nghĩa bản-bản, kết nghĩa giữa các đơn vị bảo vệ biên giới... Qua đó, tăng cường củng cố niềm tin trọn vẹn, tình nghĩa thủy chung trên tinh thần đoàn kết anh em, đồng chí./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục