Kỷ niệm 65 năm ngày Bác về An toàn khu Thái Nguyên

Nhân ngày kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về An toàn khu Thái Nguyên, An toàn khu đã vinh dự được Nhà nước đã xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc, Thái Nguyên vinh dự được chọn làm an toàn khu Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước.

Chính tại nơi đây, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc đã ra đời tại An toàn khu Định Hóa-Thái Nguyên, như: Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp" - chiến dịch Thu-Đông 1947; quyết định mở chiến dịch biên giới 1950, chiến dịch Hòa Bình năm 1952...

Đặc biệt, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, Định Hoá, Bộ Chính trị đã họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi...

Hiện nay, An toàn khu Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng với 130 điểm di tích được xem như quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20 và ngay trước ngày kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về An toàn khu Thái Nguyên lãnh đạo kháng chiến (20/5/1947 - 20/5/2012), An toàn khu đã vinh dự được Nhà nước đã xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng - "Thủ đô gió ngàn" năm xưa, Thái Nguyên hôm nay đang từng bước chuyển mình, khẳng định vị thế trung tâm kinh tế-chính trị-xã hội vùng Việt Bắc.

Trong lĩnh vực kinh tế, với lợi thế là "cái nôi" của ngành luyện kim Việt Nam, Thái Nguyên tiếp tục phát huy thế mạnh của công nghiệp gang thép, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đưa Công ty gang thép Thái Nguyên trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.

Ngoài các nhà máy sản xuất gang thép, fero măng gan, chì kẽm... hiện ở Thái Nguyên còn có Dự án mỏ đa kim Núi Pháo (huyện Đại Từ) - dự án mỏ đa kim lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á do Công ty Nuiphao Mining đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu USD.

Để tiếp tục xây dựng tỉnh trở thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên đang tập trung triển khai 2 dự án đặc biệt quan trọng, đó là đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội và dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi phía Bắc nói chung.

Ngoài ra, tỉnh đã và đang thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng 6 khu công nghiệp tập trung, 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000 ha và đặc biệt là dự án Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao, đô thị - dịch vụ Yên Bình với diện tích trên 8000 ha...

Thời gian gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Thái Nguyên vẫn nổi lên là một "điểm đến" hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Riêng trong năm qua, tỉnh đã chấp thuận 119 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 50.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư hiện có trên địa bàn lên hơn 500 dự án với tổng vốn đầu tư trên 171.000 tỷ đồng...

Ngoài lĩnh vực công nghiệp, trong phát triển nông, lâm nghiệp, Thái Nguyên đã đạt được những thành công nhất định, trong đó nổi bật nhất là việc phát triển vùng chè đặc sản với tổng diện tích hơn 19.000 ha, đưa sản xuất chế biến chè trở thành một nghề xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, từng bước khẳng định thương hiệu "Chè Thái Nguyên" trở thành thương hiệu nông sản quốc gia, hội nhập với thị trường quốc tế.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, Thái Nguyên cũng ghi dấu đậm nét khi trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo lớn thứ ba cả nước (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) với 9 trường đại học, 23 trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, 53 trường, cơ sở đào tạo nghề. Ngoài hệ thống 20 bệnh viện trực thuộc tỉnh, Thái Nguyên cũng có bệnh viện đa khoa Trung ương lớn nhất khu vực...

Với những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm qua, Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 9%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 23 triệu đồng/người, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 13.000 tỷ đồng, là một trong những tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao trong khu vực, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm...

Về các giải pháp xây dựng Thái Nguyên thành tỉnh giàu mạnh, phồn vinh, xứng tầm với vị trí trung tâm vùng, bà Ma Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết: Thái Nguyên đang nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2012-2015, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm "Ba thân thiện" (thân thiện với doanh nghiệp, thân thiện với môi trường, thân thiện với người dân), tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển khoa học công nghệ, xóa đói giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân... để đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, đưa Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã đề ra./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục