Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử là dịp rút ra bài học kinh nghiệm

70 năm Ngày Tổng tuyển cử là dịp rút ra những bài học kinh nghiệm

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi với phóng viên TTXVN về công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.
70 năm Ngày Tổng tuyển cử là dịp rút ra những bài học kinh nghiệm ảnh 1Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi với phóng viên TTXVN về công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam là một trong những sự kiện chính trị quan trọng trong năm 2016, đã được Bộ Chính trị đồng ý đưa vào hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn cấp quốc gia.

Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 619/KH-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong thời gian qua Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực, hướng tới sự kiện quan trọng này, cụ thể là tổ chức Lễ bàn giao Khu di tích Ban thường trực Quốc hội tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang về tỉnh quản lý; hoàn thành việc biên soạn tài liệu phục vụ tuyên truyền “70 năm Quốc hội Việt Nam”; tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; phát động Giải thưởng Báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”; biên soạn cuốn sách ảnh song ngữ “70 năm Quốc hội Việt Nam”; tổ chức Hội thảo “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức tuyên truyền về kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.

Trong đó, Kênh truyền hình Quốc hội, báo Đại biểu nhân dân đã có chuyên trang, chuyên mục riêng về nội dung này. Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch tổ chức thi sáng tác tranh áp phích cổ động, triển lãm sách về 70 năm Quốc hội Việt Nam tại Thư viện Quốc gia và chương trình văn nghệ chào mừng 70 năm Quốc hội Việt Nam.

Các cơ quan thông tấn, báo chí khác cũng đã có các phóng sự, bài viết kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên; đón tiếp các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ về tham quan Nhà Quốc hội và gặp gỡ các lãnh đạo Quốc hội.

Ban tổ chức cũng đã triển khai thực hiện một số hoạt động như tổ chức sản xuất phim lịch sử 70 năm Quốc hội Việt Nam; trao giải thưởng báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”; tổ chức cầu truyền hình và đặc biệt là tổ chức míttinh kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiêu bầu Quốc hội Việt Nam vào ngày 6/1/.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, thông qua các hoạt động này để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ôn lại lịch sử hình thành, phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội; tuyên truyền sâu rộng về quá trình hoạt động và đổi mới của Quốc hội; cổ vũ, động viên nhân dân cả nước phát huy truyền thống và những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới, góp phần dấy lên phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, học tập và công tác; lập thành tích thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra; chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục