Kỳ vọng một đề án

Giáo dục Việt Nam trước Đề án được kỳ vọng nhất

Hôm nay, 9/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ xem xét quyết định về Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Nếu được thông qua, Đề án sẽ thay đổi một cách căn bản nền giáo dục Việt Nam và được kỳ vọng sẽ khắc phục được những yếu kém của giáo dục hiện nay.

Đây là một Đề án lớn và ảnh hưởng tới tất cả mọi khâu trong hoạt động giáo dục và đặc biệt là tác động trực tiếp tới 22 triệu học sinh cả nước, tới từng gia đình. Với loạt bài “Đề án được kỳ vọng nhất của giáo dục Việt Nam,” Báo Điện tử Vietnam+ sẽ cung cấp thêm thông tin cụ thể, các nội dung, vấn đề liên quan đến độc giả.
Hôm nay, ngày 9/10/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp buổi cuối, theo đó dự kiến sẽ việc xem xét việc thông qua Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Với mục tiêu xuyên suốt là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục, chuyển từ dạy chữ sang dạy người, từ đào tạo nặng tri thức sang hình thành năng lực người học, đề án đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo giới trí thức, các chuyên gia giáo dục cũng như nhân dân cả nước.

Nếu được thông qua, Đề án sẽ là kim chỉ nam để thay đổi một cách căn bản nền giáo dục Việt Nam và được kỳ vọng sẽ khắc phục được những yếu kém của giáo dục hiện nay.

Đây là một Đề án lớn và ảnh hưởng tới tất cả mọi khâu trong hoạt động giáo dục và đặc biệt là tác động trực tiếp tới 22 triệu học sinh cả nước, tới từng gia đình. Với loạt bài “Đề án được kỳ vọng nhất của giáo dục Việt Nam”, báo điện tử Vietnam+ mong muốn mang lại cho độc giả thông tin cụ thể hơn về các nội dung cũng như những vấn đề liên quan đến Đề án này.


Bài 1: Đề án được kỳ vọng nhất của giáo dục Việt Nam

Ngay sau khi được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, Dự thảo Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Kỳ vọng vào những điểm mới trong đề án, vui mừng vì những thay đổi trong tương lai của giáo dục…đó là những chia sẻ của các chuyên gia, các nhà giáo dục và của đông đảo công luận khi bàn đến Đề án này.

Lấy "năng lực con người" làm trọng tâm

Theo giáo sư, tiến sỹ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, kể từ khi dành được độc lập, giáo dục Việt Nam đã ba lần cải cách.

Lần đầu tiên là năm 1950, đoạn tuyệt hoàn toàn với chương trình giáo dục Trần Trọng Kim. Lần cải cách thứ 2 năm 1956, thực hiện khi nửa nước đã được giải phóng, vừa cần nhân lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa cần lực lượng cho xây dựng đất nước hoà bình. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba vào năm 1979 được tiến hành khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1986, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, giáo dục đã bắt đầu bộc lộ những bất cập nhưng từ đó đến nay chỉ có những điều chỉnh chắp vá, chưa có cuộc cải cách giáo dục toàn diện nào.

“Lúc thì đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa, lúc thì đổi mới thi cử, lúc thì đổi mới phân ban... Cách làm đó tạo ra sự lộn xộn trong quản lý giáo dục, và kết quả chúng ta tạo ra một bức tranh phát triển giáo dục với các bộ phận vênh nhau về kích cỡ khiến hình hài của nền giáo dục méo mó, các mảng màu lại tương phản, rất khó chấp nhận,” giáo sư Dong nhận định.

Với Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang được Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét thông qua, tuy không dùng từ “cải cách” nhưng theo các chuyên gia giáo dục, về mặt bản chất chính là một cuộc cải cách giáo dục lần thứ 4 của Việt Nam.

 “Theo tôi, đây là lần đầu tiên chúng ta có một Đề án nghiêm chỉnh nhất về đổi mới giáo dục,” giáo sư Hoàng Tụy nhận định. Cũng theo giáo sư Hoàng Tụy, Đề án đã nêu rất kỹ lưỡng về triết lý giáo dục coi trọng việc đào tạo năng lực con người và đây là một quan điểm tiến bộ. Khi thống nhất được tư tưởng này sẽ làm nền tảng cho các vấn đề khác.

Chung quan điểm này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ: “Khi đọc đề án tôi thấy rất vui mừng. Tôi cho đây là đề án tốt nhất, nó thể hiện tư tưởng mới về giáo dục. Tôi vui cho những người làm giáo dục Việt Nam và những người quan tâm tới giáo dục Việt Nam. Với đề án này, ngành giáo dục sẽ có cơ hội đổi mới mạnh mẽ.”

Theo giáo sư Thuyết, từ trước tới nay, giáo dục Việt Nam quan trọng việc đào tạo nhân lực cho xã hội nhưng nay quan trọng việc đào tạo năng lực cho cá nhân học trò. “Tôi nghĩ với việc quán triệt mục tiêu này thì hoạt động giáo dục trẻ em sẽ phát triển tốt hơn.”

Nhìn ở góc độ khác, giáo sư Đinh Quang Báo, Viện nghiên cứu sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là nó sẽ làm thay đổi tư tưởng của những người làm giáo dục Việt Nam, từ các nhà lãnh đạo, quản lý đến từng giáo viên, thậm chí cả học sinh và phụ huynh về mục tiêu giáo dục, đó là hình thành năng lực con người chứ không phải những cái đầu nhét đầy chữ.”

Có sẵn sàng "trả giá"?


Tuy nhiên, thay đổi mục tiêu giáo dục cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống sẽ phải có sự tái cơ cấu, từ việc điều chỉnh mục tiêu các bậc học, thay đổi chương trình, thay sách giáo khoa đến đào tạo lại giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá và thi cử…

Rất hy vọng đề án sẽ được phê duyệt, tuy nhiên, theo giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, Đề án này mang tính chất lâu dài và có tính định hướng. Vì thế, sau khi được phê duyệt nó phải được cụ thể hoá ở từng nội dung.

Giáo sư Nhĩ đưa ví dụ như việc thay đổi ở phổ thông, tập trung sang năng lực người học dẫn tới chương trình phải thay đổi, sách giáo khoa phải viết lại, đội ngũ giáo viên phải được đào tạo lại, phương pháp giảng dạy phải thay đổi…

Trong các vấn đề trên thì chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên là những yếu tố được quan tâm hàng đầu.

Chương trình lâu nay vốn được dư luận xã hội coi là quá tải. Vì thế, câu hỏi đặt ra với người dân là chương trình mới có giảm tải? Bộ chủ trương dạy tích hợp để giảm số môn nhưng có giảm được dung lượng kiến thức? Học sinh có cần phải oằn vai đeo sách đến trường và học thêm đêm ngày như hiện nay?

Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, thành viên Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 thì hiện có rất nhiều thách thức đặt ra trong việc soạn sách giáo khoa mới, trong đó quan trọng nhất là vấn đề thay đổi tư duy. Tư duy cũ của người làm sách là tôn trọng, lấy logic khoa học của môn học làm chính và vì thế, nói cái gì thì phải đi từ a đến z một cách cẩn thận, có hệ thống. Tư duy mới lại yêu cầu phải lấy logic phát triển năng lực học sinh làm chính.

“Phải nhận thức được điều này, thay đổi tư duy thì mới xây dựng được chương trình và làm sách được, nhưng đây là một vấn đề rất khó khăn,” giáo sư Báo chia sẻ.

Cũng theo giáo sư Báo, dù có chương trình, có sách theo đúng quan điểm đổi mới nhưng đội ngũ giáo viên vẫn cũ thì cải cách giáo dục vẫn sẽ thất bại. Vì thế, giáo viên là yếu tố quyết định.

Điều này cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định giáo viên là yếu tố then chốt và là khâu đầu tiên phải bắt đầu khi đổi mới. Nhưng theo giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, làm sao để hơn 1 triệu giáo viên thay đổi được thói quen, phương pháp giảng dạy đã theo họ hàng chục năm nay là một bài toán đau đầu của ngành.

Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề khác như làm sao đảm bảo chất lượng giáo dục khi cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn? Làm sao giáo viên có điều kiện tiếp cận năng lực từng học sinh khi sỹ số quá đông? Thực hiện phân hoá sau bậc trung học cơ sở thì bậc trung học phổ thông sẽ tổ chức thế nào?
 
Có thể nói rất nhiều thách thức đang đặt ra với ngành giáo dục, nói như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, đây là một “trận đánh lớn” của toàn ngành mà để thực hiện được phải đầy quyết tâm và thậm chí là “sẵn sàng trả giá.”

Bài 2: Dạy tích hợp, chương trình mới tăng hay giảm tải?


Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục