Kỳ vọng tân Chánh án TAND tối cao đẩy mạnh hoạt động tư pháp

Các đại biểu mong rằng ông Nguyễn Hòa Bình sẽ lãnh đạo, chỉ đạo ngành tòa án thực hiện tốt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư pháp.
Kỳ vọng tân Chánh án TAND tối cao đẩy mạnh hoạt động tư pháp ảnh 1Ông Nguyễn Hòa Bình thực hiện nghi thức tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu và thông qua Nghị quyết bầu làm Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 8/4, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Ngay sau khi được bầu, tân Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tuyên thệ nhậm chức.

Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, các đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre), Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đã thể hiện sự tin tưởng vào tân Chánh án Nguyễn Hòa Bình và mong rằng, với những kinh nghiệm trong quá trình công tác, ông sẽ lãnh đạo, chỉ đạo ngành tòa án thực hiện tốt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư pháp.

Kỳ vọng, tin tưởng vào tân Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình chia sẻ, ông Nguyễn Hòa Bình đã có nhiều năm làm lãnh đạo trong cơ quan tố tụng, cũng như quá trình thực tiễn ở ngành công an và địa phương.

Đặc biệt, cũng như nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, ông Nguyễn Hòa Bình đã có quá trình thực tiễn, kinh nghiệm và đều quyết tâm, quyết liệt trong cải cách tư pháp. Cả hai ông Trương Hòa Bình và Nguyễn Hòa Bình đều trực tiếp chủ trì và tham gia soạn thảo các đạo luật về tố tụng, đặc biệt Bộ luật tố tụng hình sự.

Do vậy, ông Nguyễn Hòa Bình từ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao sang làm Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao là một điều rất tốt cho hoạt động tư pháp của Việt Nam.

Theo đại biểu, vai trò của chánh án rất quan trọng và khác với thủ trưởng các cơ quan quản lý hành chính. Bởi, vai trò của chánh án không trực tiếp chỉ đạo xét xử mà quán triệt, chỉ đạo tất cả cán bộ trong hệ thống tòa án phải nắm và hiểu rõ pháp luật; triển khai những việc mang tính hướng dẫn nghiệp vụ và những quy định chưa có sự hiểu thống nhất thì nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn; làm công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử...

Chia sẻ về hoạt động tư pháp, đại biểu cho biết, cùng với việc xây dựng Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân 2014 và hoàn thiện Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, đã chuyển tố tụng thẩm vấn sang tố tụng tranh tụng; đặc biệt ngay từ khâu khởi tố, truy tố, xét xử đều có những cải cách.

Các điều này đều nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân và tránh oan, sai; trong đó có những ràng buộc đối với các cơ quan tư pháp và người tham gia tố tụng như từ khâu xử lý tin báo tố giác tội phạm đến khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam… đều được quy định chặt chẽ và thể hiện tính kiểm soát cao hơn.

Cùng với đó, nguyên tắc tranh tụng có rất nhiều khâu, nhưng điểm mấu chốt và trung tâm là tòa án. Để đảm bảo nguyên tắc này, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đã có những quy định mới, trong đó đề cao trách nhiệm của kiểm sát viên, thẩm phán và tạo điều kiện tối đa cho luật sư hoạt động.

Đặc biệt, một điểm mới là hội đồng xét xử có thể triệu tập cả điều tra viên đến phiên tòa với tư cách cung cấp chứng cứ, đồng thời chứng minh chứng cứ. Đây là những nền tảng pháp lý rất thuận lợi, tuy nhiên cần phải xây dựng đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và phát triển đội ngũ luật sư có đủ kỹ năng nghề nghiệp.

“Nền tảng pháp lý đã có bước hoàn thiện so với trước đây, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện, áp dụng của tất cả những người có chức danh tư pháp và các cơ quan tư pháp đều phải quán triệt thì công tác đấu tranh với tội phạm mới hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế được oan, sai” - đại biểu nhấn mạnh.

Tin tưởng trên cương vị mới, nhất là trước đây với vai trò Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đại biểu Trần Hoàng Ngân kỳ vọng ông Nguyễn Hòa Bình sẽ hoàn thành tốt vai trò Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; đồng thời mong rằng, ngành tòa án sẽ xét xử các vụ án hết sức minh bạch, công bằng, đảm bảo tính pháp lý và tránh để xảy ra oan, sai.

Cùng với đó, tòa án cần đẩy mạnh tuyên truyền hệ thống luật pháp để giảm đến mức tối đa những vụ án oan, sai, từ đó giúp cho môi trường, cuộc sống của người dân được đảm bảo yên bình, hạnh phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục