Lá chắn “tự nguyện” và những chia sẻ rớt nước mắt của phụ huynh

“Chúng tôi khó khăn thì lấy đâu ra ủng hộ nhiều. Nhưng cô giáo bảo: ai không góp thì không có bàn ghế ngồi, phải trải chiếu ngồi. Nếu để con mình phải trải chiếu ngồi xuống đất thì chắc không ổn!"
Lá chắn “tự nguyện” và những chia sẻ rớt nước mắt của phụ huynh ảnh 1Đơn tự nguyện in sẵn, phụ huynh học sinh chỉ việc điền tên và ký. (Ảnh: HT/TTXVN)

“Tôi và nhiều phụ huynh cũng thắc mắc sao lại gọi là tự nguyện? Nếu ủng hộ thì tùy tâm, ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu. Chúng tôi khó khăn thì lấy đâu ra ủng hộ nhiều. Nhưng cô giáo bảo: Nếu ai không góp thì không có bàn ghế ngồi, phải trải chiếu ngồi. Nếu để con mình phải trải chiếu ngồi xuống đất thì chắc không ổn.”

"Trường có đưa ra mức ủng hộ số tiền là bằng đó, đơn ghi sẵn, phụ huynh chỉ việc điền tên và ký. Thế tại sao không nói là bắt buộc đóng góp mà lại gọi là tự nguyện?”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hương, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Những khoản thu… trên trời

Ở ngôi trường tiểu học vùng nông thôn này, những phụ huynh như ông Hương được thông báo tổng đóng góp đầu năm học lên đến trên 10 triệu đồng, với danh sách các khoản dài dằng dặc như một tờ sớ.

Trong đó, có các đầu mục "không thể hiểu nổi" như:​ Ủng hộ giáo viên lớp 1 tham gia dạy Hè: 185.000 đồng; Ủng hộ khai giảng: 50.000 đồng; Hoạt động ngoài giờ lên lớp: 540.000 đồng; Tạp phí: 500.000 đồng; Ủng hộ cơ sở vật chất: 1,3 triệu đồng; Câu lạc bộ Hè: 1.350.000 đồng; Học thêm tiếng Anh: 2 triệu đồng; Quỹ lớp: 600.000 đồng/kỳ; Trải nghiệm sáng tạo: 640.000 đồng...

Ông Hương bảo, nghe đài báo nói Nhà nước cấm học thêm. Nhà trường cũng nói không học thêm. Nhưng con anh vẫn phải đến trường từ tháng Bảy, học vắt sang tháng Tám, dưới cái tên: học trải nghiệm.

Vào năm học thì được trường phát cho đơn đóng góp cơ sở vật chất tự nguyện, mức đóng là 1,3 triệu đồng. Đơn đã in sẵn. Giáo viên yêu cầu phụ huynh điền tên và ký.

Việc chuẩn bị đồ dùng cho năm học mới, trường cũng đảm nhiệm luôn “giúp” phụ huynh, đồng phục từa quần áo đến sách vở, thậm chí cả cặp sách, hộp bút, viên phấn…

Ông Hương chia sẻ: “Tôi có trình bày là cháu được người thân mua tặng cặp sách, để dành từ khi cháu còn học mầm non đến giờ đi học lớp 1. Nông dân, hoàn cảnh khó khăn, tiết kiệm được cái gì tốt cái đó. Nhưng nhà trường bảo phải mua cho đồng bộ, cháu nào cặp cũng giống nhau, cả hộp bút, phấn… Cuối cùng cũng phải bấm bụng mua cho cháu giống các bạn.”​

Lá chắn “tự nguyện” và những chia sẻ rớt nước mắt của phụ huynh ảnh 2Phụ huynh Nguyễn Văn Hương. (Ảnh: HT/TTXVN)

Nhìn tờ giấy ghi các khoản đóng cho con học lớp 1 lên tới trên 10 triệu đồng, ông Hương xúc động kể: “Tôi có nói với cháu lớn để cháu thông cảm với bố mẹ: năm nay khó khăn, nhà mình nông dân, bố cũng vất vả, nhưng thu hoạch không tốt. Bố phải cho con hoặc em nghỉ. Cháu nghe thế thì rơm rớm nước mắt. Nhưng nỡ lòng nào... Bố mẹ trước đây đã không được đi học đến nơi đến chốn. Giờ có vất vả thế nào cũng phải cố gắng hết mức cho con học. Khó khăn quá nên cũng có lúc phải mượn tiền đóng góp cho con...”

[Ngành giáo dục chỉ đạo "đặc biệt quan tâm" thanh tra thu chi đầu năm học]

Đây cũng là tâm sự của phụ huynh Phí Thị Thúy. Bà Thúy cho biết, lương công nhân ở Đặng Cương tháng chỉ 3 triệu đồng nên rất choáng váng với danh mục thu cả chục triệu của trường: “Chúng tôi làm sao đủ tiền!”

Theo ông Nguyễn Thế Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đặng Cương, thu nhập bình quân của người dân Đặng Cương rất khiêm tốn, chỉ 30 triệu đồng/năm. “Thế thì người dân lấy đâu ra tiền để có thể đóng góp cho nhà trường? Tôi thấy những khoản thu này là không hề phù hợp với khả năng của người dân nơi đây,” ông Thuận nói.

Dán mác tự nguyện

Khi câu chuyện lạm thu của trường Tiểu học Đặng Cương gây xôn xao dư luận thì Hiệu trưởng nhà trường, bà Lê Thị Thu Thủy khẳng định đa số các khoản nhà trường chỉ thu hộ và phụ huynh hoàn toàn tự nguyện.

Lá chắn “tự nguyện” và những chia sẻ rớt nước mắt của phụ huynh ảnh 3Hiệu trưởng Lê Thị Thu Thủy. (Ảnh: HT/TTXVN)

Các khoản thu lớn nhỏ, từ ủng hộ cơ sở vật chất, học Hè, mua đồ dùng học tập, trường đều cẩn thận yêu cầu phụ huynh ký tên vào đơn tự nguyện.

Cụ thể, về khoản tiền cơ sở vật chất 1,3 triệu đồng, bà Thủy cho biết trường có khu nhà mới xây gồm 6 phòng học và một phòng hội đồng. Các phòng này dành cho học sinh lớp một, nhưng lại chưa hề có các trang thiết bị thiết yếu cho học tập như bàn ghế, bảng…

“Trường có xin ý kiến phụ huynh, vận động cha mẹ học sinh giúp đỡ để đầu tư trang thiết bị để đảm bảo điều kiện cho học sinh học tập trong đầu năm học mới. Phụ huynh tự nguyện ủng hộ và phải có đơn trường mới nhận.”

[Bộ Giáo dục đề nghị không thu các khoản ngoài học phí]

Cũng theo bà Thủy, trong Hè trường có liên kết với công ty bên ngoài tổ chức học trải nghiệm trại Hè cho học sinh. Tiền học phí là 800.000 đồng, tiền ăn bán trú là 550.000 đồng.

“Mục đích của trại Hè là kéo các em ra khỏi các lò luyện lớp một của các cô giáo trước năm học mới. Phụ huynh cũng phải có đơn tự nguyện tham gia,” bà Thủy phân trần.

Về sách, vở, đồ dùng học tập, bà Thủy khẳng định học sinh nào nhờ và phải có đơn nhờ, trường mới mua giúp.

Về khoản tiền học tiếng Anh thu 2 triệu đồng và học kỹ năng sống 560.000 đồng, bà Thủy cho biết trường liên kết với đơn vị bên ngoài tổ chức. Trường đã xin ý kiến phụ huynh và đã được “nhất trí cao”. Khoản này trường thu hộ cho công ty liên kết.

“Nhà trường chỉ vận động cha mẹ học sinh đóng góp tự nguyện 500.000 đồng/năm học để ủng hộ lao động vệ sinh, chăm sóc sân vườn và tăng giờ tăng buổi cho giáo viên. Ngoài ra trường không thu bất cứ cái gì, tức là nhà trường chỉ thu 500.000 đồng,” bà Thủy nhấn mạnh. Nhưng ngay cả khoản thu này, bà Thủy cũng cho biết “phụ huynh có ký vào biên bản là nhất trí thỏa thuận.”

Các khoản thu không đúng quy định

Trao đổi với báo chí, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương, ông Đặng Quang Thông, cho biết đã nhận được đơn tố cáo về Trường Tiểu học Đặng Cương.

Lá chắn “tự nguyện” và những chia sẻ rớt nước mắt của phụ huynh ảnh 4Ông Đặng Quang Thông, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương. (Ảnh: HT/TTXVN)

Ông Thông khẳng định, theo đơn tố cáo thì rất nhiều khoản thu của trường là sai quy định.

Cụ thể, khoản thu học tiếng Anh và kỹ năng sống là chưa đúng vì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng chưa cấp phép. Cũng không có quy định nào cho việc thu 100.000 đồng của học sinh làm hồ sơ nhập học.

Các khoản thu trải nghiệm sáng tạo hay hoạt động chuyên đề ngoài giờ lên lớp cũng không có văn bản chỉ đạo nào.

Việc trường thu ủng hộ giáo viên lớp 1 dạy Hè 185.000 đồng là sai vì bậc tiểu học không dạy thêm Hè.

Riêng các khoản quỹ lớp, ủng hộ cơ sở vật chất phải có sự đồng thuận của phụ huynh, trên cơ sở tự nguyện.

Ông Thông cho biết trước tình hình tại trường Tiểu học Đặng Cương, Phòng Giáo dục và Đào tạo An Dương đã triệu tập tất cả các hiệu trưởng các trường trên địa bàn để chấn chỉnh việc thu chi đầu năm học. “Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm và trường hợp thu sai sẽ phải trả lại cho phụ huynh,” ông Thông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục