Lãi suất: Giảm niêm yết, thỏa thuận vẫn ở “đỉnh”

Mặc dù các ngân hàng đã niêm yết lãi suất ở mức 14%, nhưng thực tế hiện nay lãi suất thỏa thuận với khách hàng vẫn ở mức 16-17%.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái răn đe những ngân hàng huy động vốn với 17%-18%/năm, trong ngày 10/12 hầu hết các ngân hàng đều niêm yết lãi suất tiết kiệm còn 14%. Tuy nhiên, khi khách hàng mang tiền đến gửi thì lãi suất thực tế cao hơn từ 2-2,5% so với lãi suất do ngân hàng công bố.

Lãi suất huy động đồng loạt hạ xuống 14%/năm


Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, lãnh đạo 12 ngân hàng có trụ sở chính trên địa bàn Hà Nội cùng ký cam kết giảm mức lãi suất huy động xuống mặt bằng 14%/năm, đồng thời nếu có khuyến mại, quà tặng khách hàng thì quy ra không quá 15%/năm. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 10/12 và chậm nhất là 11/12.

Đây là kết quả đạt được sau cuộc họp chiều 9/12 của Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội và 12 ngân hàng thương mại trên địa bàn, dưới sự chứng kiến của Hiệp hội Ngân hàng.

Buổi làm việc nói trên được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội tổ chức trước tình trạng “nhiễu loạn” trên thị trường lãi suất, sau khi Techcombank đưa mức huy động cao nhất lên 17% vào ngày 8/12. Sau sự kiện này, cuộc đua lãi suất của các ngân hàng đã diễn ra rầm rộ, Seabank đã đẩy lãi suất tiết kiệm lên tới 18%.

Bà Hương cho biết, tại cuộc họp đại diện Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng và lãnh đạo 12 ngân hàng đã phân tích những diễn biến bất thường trên thị trường trong hai ngày trước. Thực tế chúng tôi đều nhận thấy, đến ngày 9/12, mặc dù mức độ công khai lãi suất khác nhau nhưng thực chất các ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên 16-17%/năm.

Tất cả các ngân hàng đều cho rằng không thể kéo dài tình trạng này và đã quyết định ngồi lại với nhau, không chỉ là đồng thuận nữa mà là cam kết giảm lãi suất về mặt bằng trước ngày 7/12.

Việc có sự du di thêm 1% đó được giải thích là tạo điều kiện để các ngân hàng nhỏ có nhu cầu cao hơn có thể huy động được vốn mà không ảnh hưởng đến hệ thống.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nếu các ngân hàng ký rồi mà lại không đồng thuận, bà Hương cho rằng, cam kết này thiết thực hiệu quả hơn sự đồng thuận của Hiệp hội vì hiện nay rất cần bàn tay của Nhà nước. Nếu các ngân hàng trong Hiệp hội đồng thuận nhưng khi về thực hiện khác thì Hiệp hội chỉ kêu gọi, cũng không có chế tài nào để bắt họ thực hiện theo đúng sự đồng thuận đó được. Ngược lại, khi Hiệp hội và Ngân hàng Nhà nước chứng kiến cam kết của các ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý ngân hàng nào vi phạm cam kết.

Vẫn “lẩn” lãi suất dưới nhiều hình thức

Mặc dù trên biển niêm yết, lãi suất các kỳ hạn chỉ ở mức 14%, nhưng nếu khách hàng có nhu cầu thỏa thuận vẫn được một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất 16,5%-17% với kỳ hạn 1, 2 tháng.

Chiều 10/12, chị Nguyễn Thu Hồng gọi điện cho nhân viên Sacombank ngỏ ý muốn gửi 1,5 tỷ đồng, nhân viên này cho biết chị Hồng sẽ được hưởng lãi suất 16,5% với kỳ hạn 1 tháng, sau một hồi kỳ kèo, chị Hồng cũng được nhận mức lãi suất 17% với điều kiện không được rút trước hạn.

Tuy nhiên, nhân viên này cho biết, trong sổ tiết kiệm chỉ ghi mức lãi suất thực tế là 13,5%, số lãi suất còn lại sẽ được ghi vào biên nhận có đóng dấu của nhà băng và khi đến hạn, khách hàng sẽ được thanh toán cả gốc lẫn lãi.

Còn tại một phòng giao dịch của ngân hàng khác, mức lãi suất thỏa thuận bằng miệng ở mức 16,5% thay vì 13-14% như niêm yết. Để hợp thức hóa mức 3% cao hơn quy định, khoản này đã được núp dưới hình thức thưởng với lý do: Đã có thành tích giới thiệu khách hàng mới.

Không chỉ có hai ngân hàng trên thỏa thuận với khách, mà thời điểm này hầu hết các ngân hàng thương mại đều có biện pháp thỏa thuận với khách hàng. Điều này cũng không trái với quy định vì Chính phủ đã lên tiếng cho phép ngân hàng được thỏa thuận với khách hàng về lãi suất từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động cao như hiện nay thì đương nhiên mức lãi suất cho vay cũng sẽ ở mức cao hơn, điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh than thở: Những ngày qua, tôi cảm nhận được sự lo lắng của những người làm kinh doanh và cả những người dân bình thường. Sự bất ổn về tỷ giá, lãi suất, giá vàng đã phản ánh tức thì vào cuộc sống thường nhật hàng ngày. Giá cả hàng hóa đã rục rịch tăng, giá thành sản xuất tăng cao, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Tình hình hiện nay là lãi suất tiền gửi và cho vay đang leo thang, doanh nghiệp nào sẽ chịu nổi lãi suất cho vay xấp xỉ 20% mỗi năm? Và nếu không chịu nỗi lãi suất vay cao, trong khi gần như rất khó để huy động vốn từ thị trường chứng khoán lúc này thì các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn ở đâu? Mà nếu không đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh thì kinh tế Việt Nam tiếp tục nhập siêu và chúng ta lại đau đầu với bài toán tỷ giá, lãi suất, lạm phát. Vòng luẩn quẩn này còn kéo dài đến bao giờ?” ông Quỳnh nhấn mạnh.

Đại diện một doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động lâu năm trong ngành in ở Hà Nội cũng than thở: Mấy tháng trước, lãi suất 12%/năm cộng chút đỉnh phí thành hơn 13%/năm, doanh nghiệp còn hoạt động cầm chừng để giữ mối trên thị trường. Nhưng lãi suất tăng lên 16%-19% là quá sức chịu đựng.Trong hoàn cảnh kinh tế mới hồi phục như hiện nay, doanh nghiệp khó có thể đạt lợi nhuận 20% để trả lãi vốn vay cao như vậy.

Các chuyên gia khuyến cáo, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát nguyên nhân làm lãi suất tăng nóng để can thiệp thị trường một cách linh hoạt. Nếu nhiều ngân hàng khó khăn về vốn thì nên bơm thêm tiền với mức độ thích hợp. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể siết chặt thị trường liên ngân hàng./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục