Lãi suất huy động ồ ạt tăng: Kẻ mừng, người lo, ngân hàng tính kế

Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp, công cụ điều hành mới nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Lãi suất huy động ồ ạt tăng: Kẻ mừng, người lo, ngân hàng tính kế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đầu Xuân luôn là thời điểm các nhà băng dễ huy động tiền gửi nhất do lượng tiền từ tiết kiệm, thưởng Tết hoặc vốn nhàn rỗi chưa kinh doanh vẫn còn nhiều. Chính vì vậy, trong những ngày đầu năm 2016 thị trường ngân hàng khá sôi động với những diễn biến tăng lãi suất huy động liên tục tại nhiều ngân hàng thương mại.

Điều này làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động và thu hẹp cơ hội tiếp tục giảm lãi suất cho vay như mong đợi của nền kinh tế.

Làn sóng tăng lãi suất huy động

Mới Tết ra, sổ tiết kiệm hơn 500 triệu đồng của nhà chị Hải (Bạch Mai, Hà Nội) đến kỳ đáo hạn. Cô nhân viên ngân hàng thương mại HD Bank cho biết, lãi suất sẽ được cộng thêm 0,5% so với tháng trước.  Chị Hải vui mừng vì trong năm 2015, lãi suất chỉ có giảm mà không thấy tăng trong khi giá nhiều mặt hàng tăng mạnh từ trước Tết vẫn chưa giảm.

Không chỉ HD Bank, một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần khác đã công bố biểu lãi suất mới.

Theo đó, từ ngày 23/2, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) thay đổi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đồng thời ưu đãi cộng lãi suất tiền gửi online từ 0,1%/năm đến 0,3%/năm so với lãi suất thông thường ở tất cả các kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất gửi tiết kiệm online tại ngân hàng này cộng thêm 0,1%/năm đối với kỳ hạn 1 và 2 tháng, mức lãi suất mới là 5,45%/năm. Đối với các kỳ hạn 3, 4, 5 tháng khách hàng được ưu đãi cộng thêm 0,05%/năm. Đặc biệt, đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, khách hàng được công thêm 0,3%/năm lãi suất, lãi suất tối đa lên đến 7,5%/năm. Đây là các mức lãi suất tiền gửi khá cao so với mặt bằng chung thị trường.

Ngoài ra, ngay từ những ngày đầu năm mới Bính Thân, nhiều ngân hàng đã công bố mức lãi suất huy động tiền đồng với mức tăng từ 0,1% đến 0,7%/năm. Đơn cử như, Techcombank cũng công bố biểu lãi suất mới tăng 0,1%/năm ở kỳ hạn 3 tháng, 7 tháng và 15 tháng lên tương ứng ở mức 5,15%/năm, 5,65%/năm và 6,7%/năm…

Ngoài việc tăng lãi suất, để thu hút vốn, nhiều ngân hàng cũng tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi “khủng” dành cho khách hàng, khiến cho thị trường lãi suất càng trở nên sôi động.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã triển khai chương trình ưu đãi “Gửi tiền Bank-Trúng vàng ký-Đón Xuân như ý” với giải thưởng là 1kg vàng SJC cùng hàng trăm giải thưởng giá trị khác.

Việc hầu hết các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư được giới chuyên gia cho rằng đã phần nào phản ánh một thực tế thanh khoản hệ thống vẫn ổn định, nhưng đã có sự sụt giảm ở từng chu kỳ. Và, với việc thị trường lãi suất "nóng" lên từ cuối năm 2015 và đến thời điểm này ​vẫn chưa hề nguội đi, dường như trở thành một cảnh báo sớm cho hệ thống ngân hàng trước áp lực giữ một mặt bằng lãi suất cho vay ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, ​nền kinh tế.

Để đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước và ổn định thị trường tiền tệ, ngay trước Tết Nguyên đán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Thống đốc yêu cầu tổ chức tín dụng không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm...

Một số khách hàng đặt câu hỏi, liệu dấu hiệu tăng lãi suất huy động có trở thành xu thế kéo dài suốt cả năm 2016 và xu thế đó, nếu thành hiện thực, có thật sự đáng lo ngại?

Một chuyên gia cho rằng, việc duy trì và củng cố sức hấp dẫn của huy động tiền đồng thông qua công cụ lãi suất là nhằm mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế và thay đổi cơ cấu huy động, cũng như tín dụng ngân hàng theo hướng nâng cao vị thế của đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, ​diễn biến này còn nhằm xử lý các vấn đề ngắn hạn và thực hiện các mục tiêu tín dụng ngân hàng từ nay đến cuối năm 2016.

Lãi suất huy động ồ ạt tăng: Kẻ mừng, người lo, ngân hàng tính kế ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

​Lãi suất cho vay ​sẽ tăng?

Mặc dù được chấn chỉnh kịp thời, nhưng câu chuyện tăng lãi suất huy động cũng khiến không ít doanh nghiệp tỏ ra lo lắng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên kinh doanh đường ống nước đang có nhu cầu được vay vốn tiếp để tiếp tục một chu kỳ kinh doanh mới.

Theo ông Vinh, mặc dù ngân hàng chưa có động thái gì về việc lãi suất cho vay tăng nhưng theo tìm hiểu từ cán bộ tín dụng thì nếu muốn vay tiếp gói vay như năm ngoái, lãi suất sẽ được ước tính bằng lãi suất huy động cộng một mức khoảng 3-4%, tùy điều kiện cụ thể. Ông Vinh cũng lo thời gian tới, ​khoản vay sẽ bị "đội giá."

Một số ngân hàng khi được hỏi đều cho rằng lãi suất cho vay hiện đã chạm đáy, do đó khó có khả năng lãi suất sẽ giảm thêm. Theo một lãnh đạo ngân hàng cổ phần tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay chưa tăng vì ngành ngân hàng vẫn có vùng đệm, tức biên độ lợi nhuận vẫn ở mức đảm bảo các ngân hàng chịu đựng được.

Còn ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC phân tích, khi lãi suất huy động tăng lên, về nguyên tắc các ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế, nhìn chung ngân hàng có hai nhóm khách hàng vay, gồm khách hàng tốt và khách hàng có rủi ro cao hơn. ​Song, do tính cạnh tranh trên thị trường tín dụng rất cao và không có nhiều đối tượng khách hàng có chất lượng tín dụng tốt, đa số ngân hàng không dám đưa mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên vì vẫn muốn giữ chân khách hàng.

Theo Vụ trưởng Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Bùi Quốc Dũng, năm 2016, việc giữ ổn định lãi suất là một thách thức rất lớn, bởi nhiều yếu tố gây áp lực như: Lạm phát được dự báo quanh mức 4% đến 5% trong năm 2016, so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy khả năng lạm phát năm nay cao hơn nhiều, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.

Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng năm trước và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015 phần nào phản ánh nhu cầu vốn tín dụng gia tăng...

Tuy nhiên dù áp lực như vậy, nhưng theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ngoài các biện pháp kiên định, đồng bộ như trước đây, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp, công cụ điều hành mới nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Mục tiêu là ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung hạn và dài hạn trong năm 2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục