“Lãi suất khó có thể giảm mạnh trong thời gian tới”

Ông Sumit Dutta cho rằng, lãi suất thời điểm này đã gần như chạm đến mức thấp nhất của lịch sử, có thời gian lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã xuống đến mức 1%.

Điều đó chứng tỏ, trong những tháng cuối năm 2013, lãi suất khó có thể giảm mạnh thêm được nữa.
Ông Sumit Dutta, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đã chia sẻ với báo chí xung quanh các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như lãi suất, tỷ giá và dự đoán nền kinh tế 6 tháng cuối năm.

Ông Sumit Dutta cho rằng, lãi suất thời điểm này đã gần như chạm đến mức thấp nhất của lịch sử, có thời gian lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã xuống đến mức 1%. Điều đó chứng tỏ lãi suất khó có thể giảm mạnh được nữa.

- Quan điểm của ông về ảnh hưởng tích cực từ những chính sách tiền tệ gần đây của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là những quyết định về việc cắt giảm lãi suất và chính sách tỷ giá đối với nền kinh tế?

Ông Sumit Dutta: Nỗ lực hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và việc tiên phong của các ngân hàng cổ phần trong việc hạ các mức lãi suất huy động và cho vay đã được thị trường đánh giá cao nhất là ở góc độ tâm lý. Các doanh nghiệp hào hứng hơn khi động thái này có mục tiêu nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí vốn cho doanh nghiệp nhưng vẫn theo sát tín hiệu lạm phát của thị trường.

Lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ mức trên 20% vào đầu năm 2012 xuống chỉ còn khoảng 10%-12% trong thời điểm hiện tại. Các ngân hàng “đầu tàu” cũng đã chủ động giảm mạnh lãi suất cho vay cho các khách hàng có chất lượng tín dụng tốt nhằm chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn với các doanh nghiệp. Giảm lãi suất vừa là yếu tố kích cầu vừa là yếu tố kích thích đầu tư cùng với giảm thuế giúp doanh nghiệp được thành lập và mở rộng kinh doanh, thu hút việc làm, làm tăng tổng cầu nền kinh tế.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt các kênh cung ứng tiền để kiểm soát tiền tệ hợp lý theo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong điều kiện mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối (hiện đạt 30 tỷ USD, tương đương trên 12 tuần nhập khẩu), qua đó đã hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì tỷ giá ổn định trong năm 2012 và năm tháng đầu năm 2013. Niềm tin của người dân vào tiền đồng tăng cao được thể hiện qua sự chuyển dịch tiền gửi tiết kiệm từ vàng và ngoại tệ sang tiền đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt thị trường mở thông qua việc duy trì và thường xuyên chào mua giấy tờ có giá để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng một cách kịp thời.

Tuy nhiên, trong thời gian tới Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên tập trung tái cấu trúc nền kinh tế để cải thiện chất lượng tăng trưởng, cẩn trọng với việc điều hành chính sách để kích cầu hơn tránh để lãi suất giảm quá nhanh dẫn đến bùng nổ lạm phát và đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy lạm phát của các năm trước.

- Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong bốn tháng đầu năm 2013 của toàn ngành ngân hàng vẫn còn thấp. Những khó khăn nào trong thời điểm hiện tại ảnh hưởng đến nhu cầu vốn của doanh nghiệp thưa ông?

Ông Sumit Dutta: Các ngân hàng sau bốn tháng đầu năm 2013 đều báo cáo mức tăng trưởng tín dụng thấp, đồng thời lại phải trích lập dự phòng nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái do tỷ trong nợ xấu ngày một tăng cao trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu sử dụng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện bởi lượng tồn kho của doanh nghiệp rất lớn. Vì thế, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào việc bán tháo hàng tồn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm rất mạnh, người dân tăng cường thắt chặt chi tiêu.

Các doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp để vay thêm và các ngân hàng cũng không dám tăng nhanh tín dụng. Mặc dù lãi suất vay đã xuống rất thấp, có thể nói là thấp nhất trong lịch sử nhưng các doanh nghiệp vẫn không mặn mà đi vay.

Để giải quyết tình hình này, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cùng với hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, tôi nghĩ Nhà nước cần có các giải pháp chú trọng tới việc làm lành mạnh hoá thị trường, tạo cơ hội để phục hồi và kích thích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất đầu tư chứ không chỉ chăm chăm chú trọng vào tăng trưởng tín dụng bao nhiêu.

Các doanh nghiệp nên đánh giá lại tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, mạnh dạn rút khỏi thị trường nếu khó có cơ hội phục hồi sản xuất hoặc chủ động cơ cấu lại doanh nghiệp kêu gọi thêm chủ sở hữu từ bên trong bên ngoài nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

- Ông có những gợi ý nào cho Chính phủ để giải quyết những khó khăn vướng mắc mà các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đang đối mặt?

Ông Sumit Dutta: Theo tôi, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nữa. Lãi suất đã gần như chạm đến mức thấp nhất của lịch sử. Chúng ta đã từng chứng kiến lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã xuống đến mức 1%. Điều đó chứng tỏ lãi suất khó có thể giảm mạnh được nữa.

Ngoài ra, Nhà nước cần phải có hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề nợ xấu như xác định rõ cơ chế hoạt động, định giá các khoản nợ xấu hợp lý…

Theo tôi, chúng ta cần phải quyết liệt hơn trong chính sách tài khóa nhằm kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Nếu chúng ta để nền kinh tế "nguội" quá lâu, chi phí kích thích sẽ rất cao và xác xuất thành công kém.

Cải cách khu vực doanh nghiệp quốc doanh sẽ vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh để tăng tính hiệu quả của khu vực kinh tế này và tạo cơ hội phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân vốn là khu vực có hiệu quả họat động cao hơn.

- Dự đoán của ông về nền kinh tế sáu tháng cuối năm sẽ như thế nào?

Ông Sumit Dutta: Theo tôi, tín dụng những tháng cuối năm có khả năng sẽ tăng trưởng tốt hơn so với sáu tháng đầu năm. Lạm phát đã suy giảm, tình hình sản xuất đang trên đà hồi phục, xuất khẩu cũng ở đà tăng hai con số, dòng vốn FDI tập trung vào khu vực sản xuất nhờ đó sẽ thúc đẩy công ăn việc làm.

Bên cạnh đó, sau khi mặt bằng lãi suất đã hạ xuống thấp, việc Chính phủ cho ra đời Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực để xử lý khối nợ xấu khổng lồ đang đè lên hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung.

- Theo ông, chính sách tiền tệ nên như thế nào trong những tháng cuối năm?

Ông Sumit Dutta: Tôi đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã điều hành rất tốt chính sách tiền tệ trong thời gian qua như cung ứng tiền tệ, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, giảm các mức lãi xuất chủ chốt, xây dựng Đề án xử lý nợ xấu và kế hoạch thành lập công ty VAMC.

Tôi nghĩ, chính sách tiền tệ nên được duy trì ổn định ở mặt bằng hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục