Làm báo trong lửa đạn chiến tranh: Những hồi ức không thể nào quên

Tinh thần quả cảm của người chiến sỹ cùng sự nhạy bén nghề nghiệp của một nhà báo trưởng thành trong trận mạc đã giúp các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng chớp được những khoảnh khắc “để đời".
Làm báo trong lửa đạn chiến tranh: Những hồi ức không thể nào quên ảnh 1Phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Việt Nam Thông tấn xã khóa GP10 trên tàu vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: TTXVN

Trong 15 năm sát cánh cùng quân dân miền Nam với cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, cán bộ và phóng viên, kỹ thuật viên… của Thông tấn xã Giải phóng đã có mặt ở các chiến dịch lớn, luồn sâu vào vùng địch, ấp chiến lược để giữ cho dòng tin chảy mãi.

Màn đêm là buồng tối

 Lần giở lại những bức ảnh đã ố màu thời gian, nhà báo Hồ Phước Huề, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng không khỏi xúc động. Từ cuối năm 1972, ông nhận nhiệm vụ tăng cường cho chiến trường khu V, thường xuyên tác nghiệp tại các tỉnh từ Quảng Nam vào Bình Định.

Ngược dòng thời gian, cựu phóng viên chiến trường kể: Trong khoảng thời gian này, các vùng giải phóng và vùng bị địch chiếm đóng nằm xen kẽ nhau, tạo thành địa hình “loang lổ như da báo.” Từ nơi đóng quân ở Quảng Nam, với sự dẫn đường của các giao liên, những phóng viên chiến trường như ông Hồ Phước Huề hành quân bộ vượt núi, xuyên rừng.

[Ba năm công tác ở Thông tấn xã Giải phóng - Những kỷ niệm vui buồn]

“Khi đó, tính kỷ luật và sự chủ động luôn phải đặt lên hàng đầu. Nếu thiếu cẩn trọng, bị lạc đường, chúng tôi sẽ bị địch bắt. Nếu không chủ động, chúng tôi sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ,” ông Huề nói.

Dù là một phóng viên tin nhưng bên cạnh cuốn sổ, chiếc bút, phóng viên Hồ Phước Huề vẫn luôn mang theo chiếc máy ảnh để ghi lại những hình ảnh chân thực, quý giá về cuộc chiến đấu kiên cường của dân tộc.

Giữa khói lửa chiến tranh, việc chụp ảnh, thu thập thông tin đã khó; việc phát tin, tráng phim, chuyển tư liệu về tổng xã còn thử thách hơn nhiều lần. Dụng cụ tráng phim của ông Huề cũng như nhiều phóng viên chiến trường khi ấy là chiếc đèn pin bịt lá cây (để che bớt ánh sáng), chiếc bát sắt đựng thuốc tráng phim, thuốc hãm và nước suối để rửa phim.

Làm báo trong lửa đạn chiến tranh: Những hồi ức không thể nào quên ảnh 2Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: TTXVN

“Không có phòng tối, chúng tôi phải đợi màn đêm buông xuống để mang phim ra tráng. Không ít lần, khi tôi đang tráng phim thì máy bay địch quần thảo. Đến lúc rời hầm trú ẩn trở lại khe suối, số phim quý báu chỉ còn là tàn tro. Giữa rừng sâu, hang tối, nhiều người phải chui vào màn để muỗi, côn trùng không bám vào làm hỏng phim,” ông Huề nhớ lại một thời gian khó.

“Cầu người” năm ấy

Tinh thần quả cảm của người chiến sỹ cùng sự nhạy bén nghề nghiệp của một nhà báo trưởng thành trong trận mạc đã giúp các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng năm xưa chớp được những khoảnh khắc “để đời.”

“Cầu người” của nhà báo Phạm Văn Thính là một trong những bức ảnh như vậy.

Làm báo trong lửa đạn chiến tranh: Những hồi ức không thể nào quên ảnh 3Bức ảnh "Cầu người" của nhà báo Phạm Văn Thính.

Nhớ về những năm tháng trai trẻ gắn bó với chiến trường Đông Nam Bộ, nhà báo Phạm Văn Thính khi sôi nổi, lúc trầm ngâm. “Trở thành chứng nhân của lịch sử là một điều đáng trân trọng nhưng trải nghiệm về những ngày rực lửa không nên và không được phép lặp lại trong cuộc đời mỗi con người,” ông lão ở tuổi bát tuần đã trải qua đủ những đau thương, mất mát chia sẻ.

Dõi đôi mắt về phía xa xăm, ông nhớ về cuộc hành quân tiến về Sài Gòn cùng Trung đoàn 3B, Sư đoàn 9 trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968).

“Đến khu vực suối Nhum (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), tôi bỗng thấy phía trước xôn xao. Linh tính mách bảo rằng có gì đó không ổn. Tôi vội vượt lên. Khung cảnh bất ngờ mở ra trước mắt: Một đoàn thanh niên xung phong đang ngâm mình dưới nước, biến thân mình thành trụ đỡ cho các tấm ván. Họ tạo thành chiếc cầu để việc vận chuyển thương binh qua suối bớt khó khăn,” ông kể.

Sau phút bất ngờ đến thảng thốt, ngỡ ngàng, phóng viên Phạm Văn Tính nhanh chóng chọn góc đứng, giơ máy ảnh và thu vào ống kính hình ảnh nhân văn - “Cầu người.”

“Thử hỏi, nếu không có chiếc cầu đặc biệt được làm nên bằng tình thương và lòng nhân ái đó, việc vận chuyển thương binh sẽ khó khăn nhường nào. Những người lính vốn đang bị vết thương hành hạ sẽ càng thêm đau đớn nhường nào?” Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn trăn trở với những câu hỏi đó.

“Cầu người” là biểu tượng của tình người, sự sáng tạo và ý chí vượt lên khó khăn. Năm 1976, bức ảnh “Cầu người” của phóng viên ảnh Phạm Văn Thính được triển lãm ở Hungary.

“Thời điểm đó và nhiều năm về sau, không ít bạn bè, đồng nghiệp gửi lời chúc mừng đến tôi, nhưng tôi nghĩ đó không chỉ là thành tích cá nhân. Quan trọng hơn, việc bức ảnh được chọn giới thiệu ở Hungary cho thấy sự ghi nhận của dư luận, truyền thông quốc tế đối với đóng góp của những thế hệ người làm báo Thông tấn xã Việt Nam trong việc ghi lại những hình ảnh chân thực, sinh động về cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc. Thông tấn xã Giải phóng đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành, cho tôi những kinh nghiệm làm báo sâu sắc,” cựu phóng viên chiến trường Phạm Văn Thính bày tỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục