Lâm Đồng: Huyện Di Linh vi phạm pháp luật khi cấm dân đi chợ cũ

Lâm Đồng: Huyện Di Linh phải thu hồi văn bản cấm dân đi chợ cũ

Sở Tư pháp Lâm Đồng đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Di Linh xem xét thu hồi văn bản cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi chợ cũ Di Linh.

Ngày 16/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Di Linh (Lâm Đồng), ông Trần Đình Sỹ cho biết huyện sẽ thu hồi văn bản số 165/TB-TTrCV của Tổ Thanh tra công vụ (Phòng Nội vụ huyện Di Linh), trong đó huyện đã cấm cán bộ, công chức, giáo viên, lao động tại các đơn vị, tổ chức, trường học của huyện mua sắm tại chợ cũ Di Linh; buộc một số đơn vị trong huyện trưng tập cán bộ đi theo dõi, ghi hình, lập biên bản đối với công chức đi chợ cũ Di Linh.

Cùng ngày, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Di Linh xem xét lại trình tự thủ tục ban hành và thu hồi văn bản số 165/TB-TTrCV vì có chứa những nội dung trái pháp luật.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng Nguyễn Tạo, văn bản số 165/TB-TTrCV có chứa những nội dung quy phạm pháp luật nhưng lại không ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

Mặt khác, đối chiếu với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức thì văn bản số 165/TB-TTrCV trái với văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về phạm vi thanh tra công vụ, về nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Còn căn cứ Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cũng là người tiêu dùng, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Thế nhưng văn bản số 165/TB-TTrCV xác định hành vi mua sắm tại chợ cũ của các chủ thể này là hành vi vi phạm và Tổ Thanh tra công vụ cử người kiểm tra để ghi hình, lập biên bản là trái quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp Lâm Đồng đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Di Linh xem xét thu hồi văn bản trên để bảo đảm việc tự do mua bán của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Di Linh.

Luật sư Lê Cao Tánh, văn phòng luật sư Cao Tánh ở tỉnh Lâm Đồng, nhận định: “Văn bản số 165/TB-TTrCV của Tổ Thanh tra công vụ huyện Di Linh đã vi phạm đến quyền con người, quyền tự do mua bán.”

Ông Cao Tánh cho rằng văn bản của Phòng Nội vụ huyện Di Linh theo dõi cán bộ, công chức, viên chức đi chợ là hoàn toàn đi ngược lại Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Điều 23, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Như tin đã đưa, từ ngày 25/9, Chợ mới Di Linh đi vào hoạt động song song với chợ cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng do người tiêu dùng vẫn tập trung mua sắm đông ở chợ cũ, khiến một số tiểu thương buôn bán tại chợ mới lại dọn về chợ cũ nên Ủy ban Nhân dân huyện Di Linh mong muốn cán bộ, công chức, giáo viên… đến mua sắm tại chợ mới để ủng hộ chủ trương di dời chợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục