Làm phát thanh-truyền hình có phụ cấp độc hại

Cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình sẽ được hưởng chế độ phụ cấp độc hại-nguy hiểm, kể từ ngày 1/6 tới.
Cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình sẽ được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm khi làm một số công việc, kể từ ngày 1/6.

Theo Thông tư mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành, chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm được chia làm bốn mức. Mức 1 được hưởng hệ số 0,1; mức 2, hệ số 0,2; mức 3 hệ số 0,3; mức 4 hệ số 0,4.

Những người này được hưởng phụ cấp khi làm các công việc như vận hành, điều khiển, sửa chữa máy phát thanh, máy phát hình, máy phát thanh FM, máy phát sóng viba, vận hành trạm truyền dẫn tín hiệu vệ tinh; ghi hình, dựng hình trong trường quay, phòng dựng, phòng thu, ghi, dựng hình, đạo diễn âm thanh và hình trên xe phát thanh, xe truyền hình lưu động; ghi hình, lồng tiếng, thu nhạc, truyền dẫn tín hiệu âm thanh, tín hiệu truyền hình trong trường quay.

Phóng viên, biên tập viên tổ chức sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, đạo diễn, biên tập chương trình trên xe phát thanh, truyền hình lưu động; phát thanh viên, biên tập viên dẫn chương trình trong trường quay, phòng dựng cũng được hưởng chế độ này.

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm.

Nếu làm việc dưới 4 tiếng trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 tiếng trở lên thì được tính cả ngày làm việc.

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Với chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, phải tổ chức cho người lao động ăn, uống tại chỗ ngay khi nghỉ giữa ca làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục