Làm rõ những nội dung mới trong dự thảo Nghị định xử phạt báo chí

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí giải đáp những điểm mới trong dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Làm rõ những nội dung mới trong dự thảo Nghị định xử phạt báo chí ảnh 1Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, dự thảo Nghị định mới có một số hành vi được điều chỉnh tăng mức phạt so với trước. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Như VietnamPlus đã đưa, Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến người dân có nhiều điểm mới và được kỳ vọng sẽ làm lành mạnh hơn môi trường báo chí nước nhà. Dự thảo này cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) xoay quanh vấn đề này.

[Lợi dụng tư cách nhà báo để trục lợi sẽ bị phạt tới 40 triệu đồng]

- Thưa ông, từ trước tới nay, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản chịu chế tài từ Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Đâu là lý do khiến chúng ta phải sửa đổi Nghị định này?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Luật báo chí năm 2016 được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/01/2017 với nhiều điểm mới so với trước đây, trong đó có các quy phạm quản lý mới.

Đây là lý do chúng ta phải sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí cho phù hợp.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành các thủ tục để sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định 159/2013/NĐ-CP và đang lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện và trình Chính phủ theo quy định.

- Xin ông cho biết điểm thay đổi lớn nhất của dự thảo Nghị định mới so với Nghị định 159?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Đây mới là bước đầu của quá trình soạn thảo, tuy nhiên, so với Nghị định 159, dự thảo Nghị định mới có một số điểm mới đáng chú ý.

Cụ thể, về mức xử phạt, Nghị định 159 quy định mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí đối với cá nhân. Trong khi đó, tổ chức khi vi phạm sẽ xử phạt bằng 2 lần mức phạt của cá nhân với cùng hành vi vi phạm.

Thực tế áp dụng thời gian qua cho thấy, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí đa số xử lý đối với tổ chức. Do đó, dự thảo Nghị định lần này quy định là mức phạt đối với tổ chức, còn cá nhân sẽ bằng ½ của tổ chức đối với cùng hành vi vi phạm. Do có sự thay đổi này khiến nhiều người cho rằng mức phạt mới cao hơn cũ.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định mới có một số hành vi được điều chỉnh tăng mức phạt so với trước. Ví dụ như các hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi, không nêu rõ xuất xứ nguồn tin khi đăng phát trên báo chí…

Bên cạnh đó, trước đây quy định khi báo chí thông tin sai sự thật phải cải chính xin lỗi. Hiện nay, Luật báo chí năm 2016 quy định, báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính xin lỗi còn phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Do đó, về biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Nghị định mới bổ sung thêm biện pháp: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng, phát trên báo điện tử.

Về hình phạt bổ sung, trước đây với một số hành vi vi phạm về nội dung thông tin ở mức rất nghiêm trọng, ảnh hưởng an ninh quốc gia thì quy định tước giấy phép từ 1-3 tháng. Ở dự thảo Nghị định mới, mức phạt này tăng lên từ 1-12 tháng.

[Xuất hiện những “liên minh báo chí” nhũng nhiễu doanh nghiệp]

Cùng lúc, dự thảo Nghị định mới cũng quy định cụ thể các hành vi vi phạm khi đăng, phát thông tin sai sự thật ở mức nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực báo chí được quy định tại khoản 6 Điều 8 theo đúng quy định tại Điều 9 Luật báo chí.

Làm rõ những nội dung mới trong dự thảo Nghị định xử phạt báo chí ảnh 2Tác nghiệp báo chí. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngoài ra, chúng tôi bổ sung nhiều chế tài xử lý hành vi vi phạm về cải chính theo quy định tại Điều 42 Luật báo chí, ví dụ như hành vi: Không thông báo cho cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện đăng lại lời cải chính, xin lỗi; Tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ khi thông tin sai sự thật mà không có văn bản trả lời ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; Báo điện tử không có chuyên mục riêng tại trang chủ để thực hiện cải chính, xin lỗi…cũng như chế tài xử lý các hành vi vi phạm như: Đăng, phát thông tin quy kết tội danh khi có bản án của Tòa án; đăng, phát thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

- Thời gian qua xuất hiện hiện tượng liên minh báo chí gây nhũng nhiễu doanh nghiệp, địa phương. Dự thảo Nghị định mới sẽ giảm bớt tình trạng này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Về mặt quản lý nhà nước chúng tôi nhận thấy hiện tượng liên minh trong hoạt động báo chí là có. Tuy nhiên, các chế tài xử lý tuân thủ theo quy định pháp luật. Về bản chất, cơ quan quản lý sẽ xử lý thông tin sai sự thật hoặc hoạt động nghiệp vụ của nhà báo, phóng viên không đúng quy định, vi phạm quy định nghề nghiệp. Và, cho dù đó là liên minh báo chí hay cá nhân đều bị xử lý nghiêm nếu sai phạm.

- Một điểm rất đáng chú ý trong dự thảo Nghị định này là đề cập tới việc xử phạt báo chí khi đăng phát hình ảnh cá nhân không được sự đồng ý của người đó (trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác). Điều này có làm cản trở tác nghiệp của báo chí hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Trước đây, quy định này có trong Bộ Luật dân sự, Luật báo chí cũ nhưng vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Hiện nay, quy định về quyền bí mật đời tư, quyền về hình ảnh trong Luật báo chí 2016 tương thích với Bộ Luật dân sự năm 2015, không có vấn đề gì khác.

Hình ảnh là quyền nhân thân, gắn liền với con người. Do đó, việc quy định này không thể nói là cản trở hay không trong quá trình tác nghiệp của báo chí.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ về một số điểm mới trong dự thảo Nghị định xử phạt mới.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục