Làm rõ quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp

Các đại biểu tham dự các hội nghị góp ý sửa đổi Hiến pháp đặc biệt nhấn mạnh tới việc làm rõ quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp.
Góp ý về nhiều nội dung của dự thảo Hiến pháp, các đại biểu tham dự các hội nghị góp ý sửa đổi Hiến pháp diễn ra trong ngày 6/3 ở các địa phương đặc biệt nhấn mạnh tới việc làm rõ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp.
 
Tại kỳ họp thứ 7 theo chuyên đề, thảo luận đóng góp ý kiến ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu đóng góp 89 ý kiến về các chương của Dự thảo, tập trung vào Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường...
 
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh đánh giá cao việc Hiến pháp đã đề cập, ghi nhận rất rõ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại chương II, nhưng Điều 21 cần bổ sung thêm 1 khoản “Khi hình phạt tử hình còn áp dụng thì hình phạt này chỉ được tuyên với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Không được áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ.” Lý do bổ sung là Điều 21 còn sơ sài dẫn đến những thắc mắc về sự không thống nhất giữa Hiến pháp và Bộ luật Hình sự.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiền Phúc (Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh) đề nghị ở Điều 120 nên thành lập Toà án Hiến pháp với thực quyền trong việc xử lý các hành vi vi phạm Hiến pháp theo Hiến pháp thay cho Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội thành lập nhưng chỉ có thẩm quyền kiến nghị hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh) đề nghị thêm nội dung quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào Điều 1 để khẳng định rõ chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn đề nghị Dự thảo giữ Điều 66 của Hiến Pháp năm 1992 "Thanh niên được gia đình, nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí lực, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ tổ quốc” và đưa vào Chương II.
 
Tại Bắc Ninh, Hội nghị tham gia ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể chính trị-xã hội của tỉnh Bắc Ninh do Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức, đã nhận được 50 văn bản đóng góp, 14 lượt ý kiến phát biểu trực tiếp, thẳng thắn, tâm huyết góp ý vào Dự thảo. Các ý kiến đều nhất trí với quan điểm: Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết; Dự thảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới và nguyện vọng của nhân dân.
 
Hầu hết các ý kiến đóng góp đều tập trung vào những nội dung chính: Chế độ chính trị; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ c ơ bản của công dân; Quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương…
 
Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý việc sử dụng từ ngữ diễn đạt trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, đầy đủ, chính xác, phù hợp với các đối tượng. Đại diện Hội luật sư tỉnh, luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng: Bản Dự thảo được sửa đổi, bổ sung chi tiết, tỉ mỉ, thể hiện được nhiều nội dung và ý tưởng quan trọng. Tuy nhiên, bản Dự thảo còn dài, mang tính liệt kê tỉ mỉ.

Đại biểu cho rằng, khoản 1 Điều 2 của Dự thảo nêu: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” nên thêm cụm từ “phục vụ nhân dân” sau cụm từ “vì nhân dân.”
 
Đại diện cử tri huyện Yên Phong, ông Nghiêm Văn Thường cho rằng, tại khoản 3 Điều 66 có ghi “Nhà n ước và x ã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những ng ười có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hoá và học nghề phù hợp.” Theo ông nên viết lại thành “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để xây dựng xã hội học tập và phát triển tài năng…” bởi xây dựng xã hội học tập sẽ tạo điều kiện, khuyến khích mọi người học tập suốt đời, từ đó sẽ hình thành xã hội tri thức, nền kinh tế tri thức.
 
Tại Nghệ An, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức kỳ họp lấy ý kiến của đại biểu Hội đồng Nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự kỳ họp có Đoàn công tác của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Trưởng Ban biên tập làm trưởng đoàn.
 
Góp ý nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Anh Sơn Lê Văn Trí cho rằng: Tại Điều 2 Dự thảo Hiến pháp quy định: “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.” Tuy nhiên, tại Điều 9 và Điều 10 không thấy đề cập đến giai cấp nông dân. Vì vậy, đề nghị tại Điều 10 thêm cụm từ “giai cấp nông dân.”
 
Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Quang Trạch góp ý: Tại điều 15 nên xem xét quy định “Quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng.” Điều này chưa cụ thể, chưa rõ ràng dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất, cần làm rõ.
 
Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Thanh Chương Nguyễn Thị Quỳnh Nga góp ý: Lời nói đầu của Dự thảo cần viết gọn hơn. Tại Điều 2, chỉ cần viết: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” là đầy đủ ý nghĩa, thể hiện đúng bản chất Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; đề nghị bỏ đoạn: “mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”
 
Tại Thái Bình, các đại biểu trí thức của tỉnh đã tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhận được gần 50 ý kiến tâm huyết góp ý, tập trung về những vấn đề cần tiếp tục làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 
Hầu hết các ý kiến của trí thức Thái Bình đều bày tỏ sự đồng thuận, cơ bản nhất trí với nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã kế thừa được các bản Hiến pháp trước đó, phù hợp xu thế phát triển của đất nước. Đồng thời, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bổ sung nhiều vấn đề quan trọng, cần thiết, phù hợp với tình hình đất nước hiện nay; tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
 
Trong Chương I của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, về Chế độ chính trị, Điều 2, nhiều ý kiến của trí thức tỉnh cho rằng quyền lực Nhà nước là của Khối đại đoàn kết toàn dân, nên thay cụm từ "liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" bằng cụm từ "khối đại đoàn kết toàn dân tộc". Một số ý kiến cho rằng bỏ cụm từ "phát huy" và đề nghị sửa đổi: "Nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân...phát triển toàn diện." Như vậy sẽ phù hợp với Điều 2, vì Nhà nước là Nhà nước của dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
 
Ngoài ra, các trí thức Thái Bình cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung chính như: Sửa đổi Hiến pháp phải gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời bảo đảm tính độc lập, thực hiện hiệu quả các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; vị trí, vai trò của Chủ tịch nước và cơ chế kiểm hiến, kiểm pháp trong hoạt động của bộ máy Nhà nước; vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước và mô hình chính quyền địa phương; vấn đề văn hóa, giáo dục… Cùng với góp ý về nội dung các quy định, cũng có nhiều ý kiến tham gia về ngôn ngữ, kỹ thuật lập hiến.
 
Tại Cần Thơ, thành phố đã tích cực động viên, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học trên địa bàn thành phố đã có nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo.
 
Luật sư Bùi Quang Minh, Đoàn luật sư Thành phố Cần Thơ góp ý: Phần lời nói đầu, nên mở rộng thêm về sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc, cộng đồng dân tộc. Tại đ iều 5, khoản 4 sửa và ghi lại: Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và đảm bảo (thêm từ đảm bảo) tạo điều kiện để tất cả cộng đồng dân tộc (bỏ nhóm từ dân tộc thiểu số) phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Tại điều 6, cần t hêm nhóm từ (và các hình thức khác theo luật định) ở cuối câu. Như vậy Điều 6 ghi đầy đủ như sau: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và các hình thức khác theo luật định.”
 
Ở Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo luật sư Bùi Quang Minh là chưa tách bạch Quyền con người và Quyền công dân ra những điều riêng biệt, thậm chí có điều luật quy định chung cả quyền con người và quyền công dân. Quyền con người rất thiêng liêng và cao cả. Còn quyền và nghĩa vụ của công dân đôi khi phải bị giới hạn vì nhiều lý do chủ quan, khách quan tùy vào hoàn cảnh, tình hình của đất nước. Do đó, Điều 15, Khoản 2 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên sửa lại cho phù hợp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục