Làm thế nào để dạy tiếng mẹ đẻ cho người Việt ở nước ngoài?

Trước mắt cơ quan hữu quan trong nước sẽ thực hiện số hóa những giáo trình dạy tiếng Việt hiện có lên website để kiều bào có thể tải miễn phí về nghiên cứu, giảng dạy, học tập.
Làm thế nào để dạy tiếng mẹ đẻ cho người Việt ở nước ngoài? ảnh 1Trẻ em Việt Nam ở nước ngoài giao lưu khi tham dự Trại hè ở quê hương (Nguồn: TTXVN)

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm “Tài liệu dạy, học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: Thực trạng và giải pháp.”

Hơn 40 giáo viên đang giảng dạy các lớp học tiếng Việt cho kiều bào từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng nhiều giảng viên là các giáo sư đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ Việt đã tham dự.

Tọa đàm trong khuôn khổ chương trình tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2015, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và phổ biến giáo trình dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao-Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam cho biết tọa đàm là dịp để đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lắng nghe ý kiến của đông đảo giáo viên dạy tiếng Việt cho kiều bào từ các khu vực trên thế giới chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi cũng như kinh nghiệm trong công tác giảng dạy; trong đó tập trung thảo luận về tài liệu giảng dạy tiếng Việt. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp của kiều bào để đề ra các biện pháp hiệu quả hơn trong việc đẩy mạnh, phát huy hơn nữa các hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhằm hạn chế tình trạng một số địa bàn giáo viên còn “dạy chay,” theo Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, trước mắt cơ quan hữu quan trong nước sẽ thực hiện số hóa những giáo trình hiện có lên website để kiều bào có thể tải miễn phí về nghiên cứu, giảng dạy, học tập.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc phát triển tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nhu cầu thiết yếu. Thực trạng hiện nay, ở những nơi có đông cộng đồng người Việt Nam thì thường có cơ sở dạy tiếng Việt. Tại một số nước như Australia, Canada, Cộng hòa Séc, tiếng Việt được dạy tại nhà trường, còn hầu hết bà con gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy và học do cộng đồng người Việt sống rải rác và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác, khó hình thành trường, lớp.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành một bộ sách giáo khoa cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Có nơi sử dụng bộ sách giáo khoa trong nước hoặc sử dụng Giáo trình "Tiếng Việt Vui," "Quê Việt" đang trong quá trình giảng dạy thí điểm. Đối tượng học không đồng đều về độ tuổi, lại chỉ học tiếng Việt vào dịp cuối tuần, kỳ nghỉ, nên cách học cũng rất linh hoạt và phương pháp giảng dạy chưa thực sự chính quy.

Tại tọa đàm, các giáo viên đã nêu những nét đặc thù của việc dạy học tiếng Việt ở khối châu Á và khối Âu-Mỹ hiện nay. Để tạo điều kiện cho người học tiếp cận việc học dễ dàng hơn, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần sách song ngữ, trang web đại từ điển để người đọc có đủ công cụ tìm hiểu nghĩa phong phú của từ vựng tiếng Việt. Sách tập đọc cho người lớn cần chú trọng về lịch sử, địa lý Việt Nam để người đọc hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đối với trẻ em, nội dung sách cần sát với hiện tại để trẻ dễ tiếp cận. Nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng sách học dưới dạng DVD để các học viên có thể tự học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục