Làm tốt khâu điều tra để tránh án oan sai

Làm tốt khâu điều tra và truy tố để tránh án oan sai

Theo dõi trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, cử tri đã góp thêm ý kiến để nâng cao chất lượng xét xử, tránh oan sai.

Sáng 21/11, phiên trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tiếp tục được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Nhiều cử tri đã đóng góp thêm ý kiến về giải pháp nâng cao chất lượng ngành tòa án, nâng cao chất lượng xét xử, tránh để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, tiếp tục cải cách, đổi mới nền tư pháp...


Phải làm tốt khâu điều tra và truy tố để tránh án oan sai

Luật gia Phạm Thế Hùng, Hội Luật gia Hải Phòng cho rằng Chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, phù hợp với thể chế của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, cải cách tư pháp chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Năng lực, phẩm chất của nhiều cán bộ, công chức còn yếu, một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất. Dân chủ ở một số nơi bị vi phạm, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang là một điển hình về sự bất cập của ngành này.

Theo ông Hùng, án oan sai do rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu sai từ khâu điều tra và truy tố. Do đó, Luật gia Phạm Thế Hùng đề nghị để tránh oan sai thì ngành phải làm tốt cả hai khâu điều tra và truy tố; đồng thời, cần quy trách nhiệm, chế tài đối với các cơ quan tố tụng; phải xử lý nghiêm cán bộ nếu mắc sai phạm.

Những hạn chế, thiếu sót trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án như việc để các vụ án quá thời hạn xét xử, bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự, ngành tòa án phải tập trung khắc phục dứt điểm, để nhân dân tin tưởng vào sự công minh của pháp luật.

Đồng quan điểm với Luật gia Phạm Thế Hùng, ông Nguyễn Minh Trí, cán bộ về hưu ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ kiến nghị nên tăng cường điều tra, khi phát hiện phải xử lý nghiêm, thậm chí có thể đưa ra khỏi ngành các cán bộ điều tra theo kiểu áp đặt, ép cung để tránh các vụ án oan sai.

Quy định về sự tham gia của luật sư cần chặt chẽ hơn

Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nêu ý kiến để xét xử đúng người, đúng tội, phải coi kết quả điều tra có ý nghĩa quyết định. Kinh nghiệm ở Nhật Bản, các vụ án có hình phạt từ 3 năm tù trở lên bắt buộc phải có luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra. Nếu nhận thức đúng về luật sư và tôn trọng sự thật khách quan của vụ án thì luật sư chính là một bên đối trọng cần thiết. Khi nào ý kiến phản biện của luật sư được làm sáng tỏ thì lúc đó có thể đã yên tâm là không có oan sai.

Theo luật sư Phong, Việt Nam có án chỉ định, tức các vụ án đó phải có luật sư. Cơ quan điều tra có tuân thủ quy định này. Nhưng luật sư tham gia các vụ án đó là ai mới là vấn đề. Nếu chỉ cho những luật sư quen biết tham gia để luật sư đó ký tên vào biên bản hỏi cung, để hợp pháp hóa kết quả điều tra, tức có luật sư để khỏi vi phạm tố tụng, thì nguy cơ oan sai vẫn còn mặc dù quá trình điều tra có luật sư tham gia.

Vì vậy, theo Luật sư Trần Thanh Phong, quy định về sự tham gia của luật sư phải chặt chẽ hơn. Đối với các vụ án chỉ định, đặt biệt là các vụ án phức tạp, cơ quan điều tra cần có văn bản gửi cho Đoàn luật sư để cử luật sư giỏi tham gia và phải tránh mọi thành kiến, định kiến để luật sư tham gia hữu hiệu vào quá trình điều tra. Luật sư cho rằng làm được vậy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án oan sai.

Về việc tiếp tục cải cách, đổi mới nền tư pháp phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và thế giới, thẩm phán Trần Thị Thu Hà, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng ngành tòa án từ Trung ương đến địa phương phải làm tốt công tác quản lý, giáo dục cán bộ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức của ngành tòa án nhân dân.

Việc đào tạo, bổ nhiệm thẩm phán cũng cần đề ra tiêu chí công khai, minh bạch; thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành tòa án nhân dân theo đúng quy định của Luật phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, ngành tòa án tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo, điều hành và thủ tục hành chính, tư pháp theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả. Các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục