Lần đầu tiên “Truyện Kiều” được tuyên truyền bằng góc nhìn mới

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3897/QĐ-BVHTTDL phê duyệt nội dung Đề án tuyên truyền, quảng bá tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du.
Lần đầu tiên “Truyện Kiều” được tuyên truyền bằng góc nhìn mới ảnh 1Đây là lần đầu tiên kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du được tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức thể hiện với những góc nhìn mới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3897/QĐ-BVHTTDL phê duyệt nội dung Đề án tuyên truyền, quảng bá tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du.

Đây là lần đầu tiên kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức thể hiện với những góc nhìn mới.

Cùng với Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục quảng bá tác phẩm "Truyện Kiều" để khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt của Nguyễn Du đối với nền văn hóa Việt Nam và nhân loại trong những năm tiếp theo.

Việc thực hiện Đề án góp phần tạo ra các tác phẩm, các giá trị văn hóa mới làm giàu thêm di sản văn hóa của dân tộc, đồng thời tạo cơ hội để quảng bá với thế giới về nét đặc sắc, giá trị của di sản văn hóa Việt Nam; giúp cho người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế thêm hiểu, yêu quý, trân trọng kiệt tác Truyện Kiều.

Kinh phí thực hiện Đề án tuyên truyền, quảng bá "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Cục Nghệ thuật biểu diễn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Để thực hiện Đề án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức chuyển soạn, đặt lời bài hát từ nội dung tác phẩm Truyện Kiều dựa trên các làn điệu dân ca, các bài bản, các hoạt động diễn xướng dân gian và các trò diễn múa rối cổ truyền.

Bộ đã lựa chọn 10 đơn vị nghệ thuật chuyển soạn, đặt lời các bài hát dựa trên nội dung của Truyện Kiều. Các tác phẩm nghệ thuật sẽ bao gồm những loại hình nghệ thuật đặc sắc, trong đó có các loại hình nghệ thuật của Việt Nam được UNESCO công nhận: Chèo, Cải lương, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Dân ca Quan họ, Dân ca Bài chòi, Ca trù, hát Văn, hát xẩm, Ca Huế, Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Hội đồng nghệ thuật sẽ tham mưu, tư vấn nâng cao chất lượng nghệ thuật và thẩm định tất cả các chương trình, tác phẩm, tiết mục trước khi biểu diễn, phố biến, tuyên truyền, quảng bá tác phẩm tới công chúng.

Tác phẩm được nghiệm thu là cơ sở để xây dựng các chương trình nghệ thuật, xuất bản phẩm ghi âm, ghi hình đĩa DVD phục vụ tuyên truyền, quảng bá, vinh danh Danh nhân văn hóa Thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách trong và ngoài nước ở một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trải qua nhiều thời kỳ, Truyện Kiều vẫn luôn là đề tài, nguồn cảm hứng để các tác giả, nghệ sỹ sáng tạo, phóng tác, chuyển thể thành các loại hình nghệ thuật như: Âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, thư pháp... với nhiều chương trình, vở diễn, tác phẩm, tiểu phẩm, trường đoạn, trích đoạn, tiết mục được biểu diễn trước đông đảo công chúng.

Cho đến nay, các học giả trong và ngoài nước vẫn tiếp tục nghiên cứu kiệt tác bất hủ Truyện Kiều. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự bùng nổ về thông tin, đi kèm làn sóng giao thoa, hội nhập văn hóa khiến thẩm mỹ nghệ thuật, đặc biệt là của giới trẻ thay đổi, nhu cầu thưởng thức các loại hình truyền thống dần thay thế bằng những loại hình giải trí mới.

Đội ngũ sáng tạo nghệ thuật, nghệ sỹ chưa thực sự quan tâm đến các tác phẩm văn học kinh điển để từ đó sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao, dẫn đến các tác phẩm văn học cổ, các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống dần bị mai một, không gian biểu diễn ngày càng thu hẹp.

Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam rất phong phú về thể loại, nhiều hình thức diễn xướng độc đáo, các làn điệu dân ca, bài bản và các loại giọng cố định. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá, là cơ sở để các nhà soạn giả, nghệ sỹ biểu diễn thể hiện tác phẩm Truyện Kiều bằng các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống.

Thông qua các loại hình nghệ thuật này, người xem được thưởng thức tính cách của các nhân vật trong Truyện Kiều thông qua các hình tượng sân khấu, được chiêm ngưỡng tài nghệ diễn xuất của diễn viên, đồng thời được nghe lại những áng thơ ca đầy gợi cảm của Nguyễn Du mà từng câu, từng lời đẹp đẽ đã ngấm vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam...

Dự kiến từ tháng 6-12/2016, các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ tổ chức biểu diễn tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục